Đưa công nghệ vào khởi nghiệp

14/03/2018 - 01:15

 - Với sự tiếp sức của công nghệ, các bạn trẻ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho hoạt động khởi nghiệp (KN), tỷ lệ thành công cao hơn. Ngay đối với các nông hộ nhỏ, việc sản xuất sẽ đạt hiệu quả tốt hơn nếu mạnh dạn ứng dụng công nghệ phù hợp.

Vượt qua rào cản

Trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 diễn ra tại An Giang, diễn đàn ứng dụng công nghệ trong sản phẩm KN đã được tổ chức.

Hoạt động này thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp mới, các thanh niên đam mê KN bởi tham gia chia sẻ tại diễn đàn là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, các doanh nhân trẻ đã nỗ lực KN thành công.

Những kiến thức mới, những bài học kinh nghiệm quý được xem như “bí kíp” giúp các bạn trẻ rút ngắn được thời gian KN, hạn chế rủi ro thất bại. Điển hình như chia sẻ của anh Ngô Chí Công (Đồng Tháp).

Đưa công nghệ vào khởi nghiệp

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn

Dù đang gặt hái được thành công ban đầu với cây sen nhưng con đường KN của anh Ngô Chí Công cũng lắm gian nan. Là một thạc sĩ chuyên ngành hóa học, anh Công có niềm đang mê đặc biệt với công nghệ giữ tươi hoa. Tuy nhiên, khi cùng vài người bạn bước chân vào con đường KN ở TP. Hồ Chí Minh, anh đã 2 lần thất bại, phải đóng cửa công ty.

Khi về lại quê nhà Đồng Tháp, anh Công cảm thấy xót xa khi chứng kiến tình trạng sen thường xuyên rớt giá, có khi chỉ còn 200 đồng/kg gương sen. “Tôi quyết định rủ những người bạn về Đồng Tháp KN với cây sen, vừa giúp người nông dân (ND) cũng là khai thác lợi thế quê hương mình” - anh Công chia sẻ.

Dù công nghệ bảo quản bông sen, lá sen khó hơn nhiều so với hoa hồng nhưng với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, nhóm của anh Công đã ứng dụng công nghệ giúp giữ tươi lá sen, bông sen từ vài ngày lên đến 6 tháng.

“Nhu cầu đối với sen rất lớn nhưng vấn đề là thời gian sử dụng quá ngắn. Chỉ với việc kéo dài thời gian giữ tươi, mỗi ký lá sen từ vài ngàn đồng lên 2 triệu đồng/kg, bông sen cũng tương tự” - anh Công phân tích.

Đối với anh Trần Trung Hiếu (An Giang), người đạt giải nhì tại cuộc thi dự án KN ĐBSCL năm 2017, thì để đạt thành công với dự án sản xuất xe năng lượng phục vụ nông nghiệp (NN) không phải là điều dễ dàng.

“Bản thân tôi sinh ra trong gia đình nhà nông nên hiểu được nỗi vất vả khi phun thuốc. Lúc trước, ND dùng bình xịt tay, vừa bơm vừa phun rất cực. Sau này, có bình máy, đỡ tốn công kéo cần bơm nhưng phải mang vác nặng nề, máy móc lại dễ hư hỏng, tốn xăng.

Tôi thấy An Giang có lợi thế bức xạ nhiệt rất lớn nên nghiên cứu chiếc xe năng lượng mặt trời, vừa cung cấp năng lượng phun thuốc vừa giúp ND đỡ mang vác vất vả. Tuy nhiên, khi đưa xe vào hoạt động thử nghiệm, ba tôi lại phản đối vì sợ… hư lúa. Tôi phải thuyết phục và chứng minh được hiệu quả thì ba tôi mới đồng ý” - anh Hiếu chia sẻ.

Công nghệ trong lòng bàn tay

Đó là xu hướng của thế giới khi mọi hoạt động điều hành sản xuất, quản lý kinh doanh đều có thể tích hợp trên một chiếc Smartphone (điện thoại thông minh) nhỏ gọn, thông qua các ứng dụng hữu ích.

“Thay vì chúng ta phải ghi chép thông tin sản xuất - kinh doanh vào sổ, muốn tính doanh thu, lợi nhuận, biết lượng hàng tồn kho phải cộng sổ tính toán thì với ứng dụng quản trị DN trên Smartphone, chỉ cần thao tác vài phút là có tất cả các thông tin này. Smartphone có thể quản lý được cả thời gian làm việc của nhân viên, tiền lương chi trả theo hiệu quả công việc” - TS. Lê Đặng Trung, Giám đốc điều hành Công ty Phân tích thời gian thực (Real-Time Analytics, viết tắt là RTA) chia sẻ.

Đưa công nghệ vào khởi nghiệp

KN trong NN là lĩnh vực hấp dẫn

TS. Trung cùng RTA đã phát triển nhiều công nghệ điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật và tạo một thư viện “Big data”. Cùng với ứng dụng quản trị DN, TS. Trung đã viết ứng dụng cảm biến đặc biệt cho nông nghiêp.

Theo đó, chỉ với chiếc Smartphone, ND có thể quản lý toàn bộ quy trình làm đất, xuống giống, thời gian sử dụng, số lượng và loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, thời gian thu hoạch, sản lượng, lợi nhuận...

Cũng chỉ với chiếc Smartphone, anh Nguyễn Khắc Minh Trí, đồng sáng lập và CEO của Mimosa Tek - công ty chuyên nghiên cứu và đưa những ứng dụng khoa học vào NN, đã giới thiệu hệ thống tưới chính xác cho nông hộ nhỏ.

Anh Trí đã đạt quán quân tại cuộc thi Viet Nam Venture Cup 2015 nên hệ thống của anh được chứng minh là tiết kiệm điện, nước, giảm nhiều chi phí trong khâu tưới nhưng năng suất và hiệu quả cao hơn. Hệ thống này không chỉ mang lại lợi ích cho ND mà còn tạo thuận lợi cho các bạn trẻ đam mê KN trong lĩnh vực NN.

“Đối với An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, NN vẫn là thế mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho KN. Ở Pháp, ND trẻ là những người quyết định xu hướng phát triển của NN. Các bạn trẻ ĐBSCL cần suy nghĩ thêm về NN, tận dụng lợi thế ngay chính địa phương mình, kết hợp ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, khai thác đúng giá trị NN” - bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao gợi ý.

 

NGUYÊN ANH

 

Liên kết hữu ích