Đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người lao động

04/07/2019 - 06:55

 - Linh động trong cách truyền đạt cũng như tổ chức nhiều hoạt động gần gũi, thiết thực, các cấp công đoàn đã nỗ lực thay đổi công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng hoạt động giúp người lao động (NLĐ) tiếp nhận hiệu quả. Đem những kiến thức, hiểu biết cần thiết vào tận doanh nghiệp, nhà trọ cho NLĐ đang là một hình thức điển hình nhằm kết nối với đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) tốt hơn.

Buổi tuyên truyền cho công nhân lao động tại nhà trọ

Tại nhà trọ Quới Lan, Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành), lần đầu tiên Ban Nữ công (Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh) đưa công tác tuyên truyền vào tổ chức trong nhà trọ. Đây là hoạt động khởi đầu cho chuỗi hoạt động cao điểm “Ngày đoàn viên” kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tranh thủ buổi tối sau giờ công nhân làm việc, đội ngũ cán bộ của LĐLĐ và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh gói gọn buổi truyền thông trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Trước đó, để đảm bảo công nhân tham dự đầy đủ, LĐLĐ  đã gửi thư mời thông qua LĐLĐ huyện Châu Thành đến trao tận tay từng người. Tại buổi truyền thông, 100 công nhân lắng nghe khá chăm chú các chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS, kỹ năng làm cha mẹ, bình đẳng giới. Những nội dung khiến một số người ngại ngùng đã dần dần được cởi mở, trao đổi để hiểu rõ hơn nhờ báo cáo viên dẫn dắt từ lý thuyết đến thực tế và hỏi - đáp với NLĐ. Trong đó, phòng, chống HIV/AIDS được nhấn mạnh là vấn đề không bao giờ cũ, bởi nó vẫn là căn bệnh đáng lo ngại trong xã hội, là vấn nạn dễ xảy ra nếu thiếu hiểu biết. Lồng ghép chương trình, ban tổ chức còn tặng bao cao su miễn phí cho công nhân.

Anh Mai Hồng Chiến cho biết, thời gian trước anh cũng làm công nhân qua một số công ty và dự nhiều buổi tuyên truyền. Trong môi trường làm việc cũ, mỗi đợt tuyên truyền công đoàn chú trọng lựa chọn báo cáo viên hay nhất để truyền đạt cho công nhân. Còn tại đây, lồng ghép với tuyên truyền là sự giao lưu giữa người nói và người nghe, có trắc nghiệm, tặng quà để công nhân ngồi lắng nghe trọn buổi. Cũng theo anh Chiến, đa phần CNLĐ ở độ tuổi còn trẻ, họ không mấy quan tâm đến chủ đề sức khỏe, phòng chống bệnh, sức khỏe sinh sản, tệ nạn xã hội… vì nghĩ chưa cần thiết. “Những buổi tuyên truyền thế này rất cần thiết để công nhân có cơ hội tiếp thu, “mưa dầm thấm lâu” rồi sẽ chuyển biến nhận thức, giúp họ có hiểu biết, lối sống lành mạnh. Dù hiện nay mỗi người đều có chiếc điện thoại thông minh, muốn tìm hiểu gì chỉ việc tìm kiếm trên mạng. Nhưng giữa muôn vàn kết quả, đâu là thông tin thật sự cần thiết và đúng đắn? Ngay chính bản thân tôi đây, bình thường muốn tìm hiểu vấn đề gì đều gặp khó khăn vì không biết bắt đầu từ đâu, đọc những gì giữa mênh mông thông tin như hiện nay” - anh Chiến chia sẻ.

Cách thức tuyên truyền này đã được tổ chức tại nhiều doanh nghiệp vào ngày cuối tuần hoặc khi công ty sắp xếp được thời gian. Ngoài pháp luật về lao động, công đoàn, công nhân được trang bị nhiều nội dung gần gũi đời sống hơn, như: “tín dụng đen”, an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc con cái, kỹ năng làm cha mẹ… Trong buổi truyền thông, cán bộ công đoàn đến từng chỗ ngồi lần lượt giới thiệu cho CNLĐ trang fanpage Công đoàn An Giang để “like” (thích) và theo dõi trang, nắm bắt những hoạt động của công đoàn tỉnh, đồng thời có thể giao tiếp, trao đổi kịp thời những thắc mắc nhằm tương tác gần hơn, nhanh hơn giữa NLĐ với công đoàn. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ khác tiếp cận hỏi thăm công nhân, nắm bắt về hoàn cảnh, chia sẻ về công việc, thu nhập, ghi nhận ý kiến công nhân về cách thức tuyên truyền xem đã phù hợp chưa, công nhân mong muốn tìm hiểu thêm về nội dung nào, hoặc tổ chức như thế nào để tiếp tục điều chỉnh trong những lần kế tiếp. Những nỗ lực này nhằm tạo dựng mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa công đoàn với NLĐ nói chung, đặc biệt là xây dựng hình ảnh của công đoàn ngày một thân thiết, gắn bó bên cạnh NLĐ, tích cực cầu thị, lắng nghe và thay đổi tốt hơn để công tác tuyên truyền nói chung, đưa những kiến thức về kỹ năng, sức khỏe thật sự đi vào đời sống của công nhân.

MỸ HẠNH