Đưa loài cá đặc sản suýt tuyệt chủng lên Tây Nguyên nuôi lồng bè

24/02/2019 - 14:29

Cá hô, loài cá được biết tới như đặc sản của xứ Nam Bộ sông nước đã cho thấy sự thích ứng với miền đất cao nguyên. Từ nuôi cá hô dưới ao đất, mới đây thử nghiệm nuôi cá hô trong lồng bè đã cho kết quả khả quan, mở ra cơ hội cho nông dân Lâm Ðồng một loại vật nuôi có giá trị.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thành, cán bộ thuộc Trung tâm  Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, người rất quan tâm tới con cá hô chia sẻ, cá hô là loại cá có thịt ngon, chắc, dinh dưỡng cao, rất được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá hô thương phẩm trong lồng bè” tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh - nơi có những lồng bè nuôi cá sẵn trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2. Hai nông hộ đã được lựa chọn thử nghiệm nuôi loại cá còn khá mới mẻ với người nuôi cá địa phương. 

dua loai ca dac san suyt tuyet chung len tay nguyen nuoi long be hinh anh 1

Vớt cá hô lên để kiểm tra sức khoẻ

Anh Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi cá có kinh nghiệm thuộc thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa đã tham gia dự án nuôi cá hô trong lồng bè. Vốn quen với những loại cá thương phẩm khác, anh Tiến khá bỡ ngỡ khi tiếp cận với cá hô, một loại cá vốn sống quen với vùng sông Tiền, sông Hậu.

Theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, anh xử lý nước đồng thời gia cố lại lồng bè thật kỹ. Sau vài tháng thả nuôi, anh chia sẻ giống cá hô này khá phàm ăn, sống khỏe, lớn nhanh. Như nhà anh thả trên 4 ngàn cá giống trên diện tích lồng rộng 150 m2, hiện nay mỗi con cũng đạt khoảng 150 gram và được đánh giá là lớn nhanh. Tỷ lệ hao hụt cho phép là 70% nhưng đến hiện nay, bè của anh cá chết rất ít.

Tuy nhiên, anh cũng bỡ ngỡ khi làm quen thêm nhiều kỹ thuật chăn nuôi mới như xử lý nước định kỳ bằng vôi, các loại thuốc trị bệnh cho cá nằm đúng trong danh mục cho phép…

Cũng tham gia mô hình “Nuôi cá hô thương phẩm trong lồng bè” như anh Nguyễn Văn Tiến, gia đình anh Nguyễn Văn Thủy, thôn Gia Bắc 2 cũng đánh giá cá hô là con cá phù hợp với  điều kiện ở Gia Bắc và lòng hồ  Thủy điện Đồng Nai 2. Anh nhận xét cá hô dễ nuôi, lớn nhanh, khâu chăm sóc cũng không khó khăn, bà con cũng dễ làm quen,  khi  thu hoạch  cá có giá cả lại rất tốt, như thời giá hiện tại khoảng 100 ngàn đồng/kg và rất dễ bán do thị trường ưa chuộng. So với các vật nuôi khác như cá trắm, cá diêu hồng… thì nuôi cá hô cho thu nhập khả quan hơn. 

Ông Nguyễn Công Phóng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa thông tin, hiện phong trào nuôi cá trong lồng bè trên khu vực lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 2 rất phát triển. Hàng chục hộ nuôi cá trên các lồng bè cho thu nhập ổn định, là hướng đi địa phương rất khuyến khích. 

Ông cũng cho biết, nông dân nuôi cá nhận xét rất tốt về con cá hô, cho đây là một vật nuôi tiềm năng, hiệu quả với vùng Tân Nghĩa. 

dua loai ca dac san suyt tuyet chung len tay nguyen nuoi long be hinh anh 2

Ông Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) giới thiệu con cá hô nuôi thương phẩm thành công.

Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chia sẻ, đa dạng hóa vật nuôi là một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp. Đưa thêm nhiều vật nuôi hiệu quả để nông dân lựa chọn và bên cạnh đó, khi tham gia mô hình, bà con tiếp cận thêm nhiều kỹ thuật chăn nuôi mới, vừa hiệu quả vừa an toàn với môi trường. Như từ mô hình của hai hộ trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2, Trung tâm đã tổ chức hội thảo cho gần 30 hộ đã, đang và sắp sửa gắn bó với con cá. Bà con đã nắm được kiến thức chăm sóc cá hô đồng thời tận mắt chứng kiến quy trình chăm nuôi từ thực tế, rất dễ hiểu và dễ thực hiện.

Anh cũng cho hay, cá mới thả từ tháng 10/2018 nhưng cho tới nay, tỷ lệ sống, sức phát triển của cá hoàn toàn đạt yêu cầu đặt ra. Con cá hô sẽ sớm trở thành vật nuôi quen thuộc với những chủ lồng bè trên lòng hồ  Thủy điện Đồng Nai 2, mang lại thêm một lựa chọn cho người nông dân gắn bó với mặt nước hồ, xây dựng kinh tế từ những con cá chất lượng cao.

Cá hô là một loài cá nước ngọt, thuộc họ cá chép, tên khoa học là Catlocarpis Siamensis. Cá hô từng được gọi là vua của các loài cá nước ngọt, có con nặng tới 300 kg. 

Trước đây cá hô xuất hiện khá nhiều trên dòng Cửu Long nhưng gần đây số lượng giảm nhiều do đánh bắt, dẫn tới nguy cơ tiệt chủng nên loài cá nầy có tên trong sách đỏ Việt Nam.

May thay, gần đây Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã cho cá hô sinh sản nhân tạo thành công và đã chuyển giao con giống cho nhiều hộ nuôi thử nghiệm đạt hiệu quả cao, điển hình như ở An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long...

Một trong những người nuôi cá hô thưởng phẩm thành công đầu tiên ở Vĩnh Long - ông Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình cho biết, cá hô dễ nuôi, tăng trọng nhanh, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể.

Sau 18 tháng nuôi cá có trọng lượng từ 2 – 2, 5kg/con. Đặc biệt cá hô càng lớn giá trị kinh tế càng cao, vì thế nhiều người nuôi đến năm thứ 3 mới bắt đầu kéo bán (trọng lượng từ 5 – 10 kg/con).

Theo DIỆP QUỲNH (Báo Lâm Đồng)