Dương Công To - Hiệp sĩ đường sông

06/04/2018 - 08:25

Ông Dương Công To- người lặng lẽ 42 năm làm việc nghĩa, cứu hơn 500 gặp nạn, 10 người nhảy cầu Cần Thơ quyên sinh.

A A

Hơn 40 năm qua, bên dòng sông Hậu có một người đàn ông âm thầm làm việc nghĩa.

Cái việc nghĩa mà ông làm là truy bắt bọn trộm cướp trên sông, cứu vớt người dân có ghe, tàu qua lại trên sông bị chìm hoặc khi có người từ trên cầu nhảy xuống dòng sông này quyên sinh.

Ông là Dương Công To (ở ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). 

Ông Dương Công To bên dòng sông Hậu và cầu Cần Thơ -nơi ông đã cứu sống nhiều người

Hơn 40 năm trước, ông To từ quê nhà ở xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long về quê vợ cặp bên bờ sông Hậu thuộc ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh sinh sống.

Hàng ngày, ông cùng người dân trong xóm mưu sinh bằng nghề đóng đáy bắt cá trên sông.

Một lần, ngồi trên ghe chờ con nước để đổ đáy bắt cá, gặp chiếc ghe hàng của một gia đình ngang qua bị chìm, ông To đã lao ghe đến giúp.

Sau lần đó, dù không ai phân công, ông vẫn tự nguyện làm người canh gác thầm lặng, không lương trên dòng sông Hậu.

“Tôi sống ở đây quen với sông nước rồi. Khi nào trời nổi dông, ập đến nhanh là tôi dòm tới, dòm lui, xem có dân sang sông không, đến giữa sông bị dông là phải chìm. Bởi vì người ta không có kinh nghiệm ra sông lớn và chưa từng đối đầu với cơn dông không có biết được. Cho nên tôi phải tiếp cận người ta để giúp đỡ”.

Ông Dương Công To bên quyển sổ ghi các sự cố xảy ra trên sông Hậu mà ông đã cứu giúp 

Người dân ở ven sông Hậu kể, nhiều lúc ghe tàu bị chìm vì mải mê lo cứu người nên ông To không bận tâm đến việc đánh bắt, mưu sinh.

Lúc đó, do không có người canh đổ đáy nên khi sông đổi dòng chảy các miệng đáy của ông bị lộn ngược cá, tôm đi hết không còn một con trong lưới. Đã vậy ông còn không tiếc tiền của, luôn trưng dụng những phương tiện, vật dụng của gia đình như ghe, tàu, máy, xăng dầu vào việc cứu người mỗi khi trên sông xảy ra sự cố. Rồi ông rủ những người bạn đáy, những thanh niên trong xóm thành lập Đội cứu hộ đường thủy tuần tra, truy bắt bọn cướp giật trên sông, bọn trộm cắp đồ trong xóm, ấp.

Thấy Đội cứu hộ đường thủy của ông hoạt động có hiệu quả nên vào năm 2003, chính quyền địa phương ra quyết định thành lập Đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa gồm 16 thành viên lấy từ đội cứu hộ của ông làm nòng cốt do ông làm đội trưởng.

Cách đây gần 8 năm khi cầu Cần Thơ bắt đầu hoạt động, ông To và những thành viên trong đội lại tự nguyện tuần tra, quan sát bên dưới chân cầu, mỗi khi có ai nhảy cầu quyên sinh thì lập tức cứu vớt.

Nhận xét về ông Dương Công To, bà Nguyễn Thị Lợt ở ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa nói: “Ông To nhiệt tình lắm và cũng giúp đỡ nhiều người. Ai bị vướng tàu bè, ông cũng giúp đỡ”.

Tính ra từ ngày về sống bên sông Hậu đến giờ, ông To đã tự mình cũng như các thành viên trong đội và chính quyền địa phương ở hai bên bờ sông Hậu đã cứu sống gần 500 người ở các tỉnh miền Tây không may gặp nạn trên sông và cứu sống được 10 người trong tổng số 52 người nhảy cầu Cần Thơ quyên sinh.

Ông To tâm sự, niềm vui lớn nhất của ông là mỗi khi cứu sống được một mạng người: “Thường thường người ta nói cứu một người còn hơn xây 10 cái chùa mà”.

Ông Dương Công To tại Hội nghị điển hình  tiên tiến

Với việc cứu người và giữ gìn an ninh trật tự suốt thời gian dài trên sông Hậu, ông Dương Công To đã được Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ ngành tặng Bằng khen, phong tặng ông danh hiệu “Hiệp sĩ đường sông”.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen cho Đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa do ông làm đội trưởng về thành tích xuất sắc xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các tuyến giao thông.

Đại tá Huỳnh Thới An- Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Cần Thơ cho biết: “Hàng chục năm qua cho đến tận bây giờ, mặc dù tuổi đã cao nhưng bác Dương Công To lúc nào cũng năng nổ, nhiệt tình tham gia cứu hộ, cứu nạn mỗi khi có sự cố xảy ra trên dòng sông Hậu, bên dưới cầu Cần Thơ. Có thể khẳng định bác Dương Công To đã hỗ trợ rất nhiều cho Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn trên sông thuộc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Thành phố Cần Thơ mỗi khi xảy ra sự cố trên sông”.

42 năm gắn bó với dòng sông Hậu, giờ đây, ông vẫn lặng lẽ, tự nguyện thực hiện công việc mà ông cho là rất nhỏ, rất đỗi bình thường này. Tuy nhiên, đối với người dân ở ven sông Hậu, nhất là những người từng được ông bảo vệ, cứu sống thì hành động của ông thật ý nghĩa. Mọi người nói: Tấm lòng của ông thật nhân hậu, những việc ông làm thật lớn lao giống như cái tên Dương Công To mà ba mẹ đã đặt cho ông.

Theo TẤN PHONG (VOV)