Dương Thanh Khiết và cây “đàn que” độc, lạ

09/02/2019 - 07:00

 - Nếu trước đây ở Kiên Giang từng xuất hiện cây đàn tự chế từ cái thau, ống tre và sợi dây thì An Giang đang là nơi sở hữu cây đàn do chàng thanh niên 8X tự chế từ “que đè lưỡi”. Thú vị ở chỗ, người làm ra chiếc đàn này chưa hề biết đàn và công việc hàng ngày của anh là công tác hành chính văn phòng.

Được kế thừa năng khiếu nghệ thuật của gia đình, từ nhỏ Dương Thanh Khiết (sinh năm 1985) rất đam mê sáng tạo và khéo tay. Những món đồ gì chỉ cần xem qua vài lần là anh có thể tự mày mò chế tác ra được phiên bản. Từ nhỏ, anh ấp ủ ý tưởng làm 1 cây đàn để đi học nhạc, nhưng phải độc, lạ. Đến khi vào công tác ở Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp An Giang, ý tưởng sáng tạo ấy càng thôi thúc hơn, bởi hàng ngày anh được tiếp xúc với các nhạc sĩ, nhạc công có tay nghề cao và diễn viên tên tuổi.      

Năm 2015, Khiết thử chế tạo cây “đàn que” đầu tiên nhưng chưa ưng ý. Rút tỉa kinh nghiệm, lần này anh phát triển ý tưởng để làm cây đàn ghi-ta bằng “que đè lưỡi” (loại que dùng đè lưỡi trong y tế) rất hoàn chỉnh, khi sử dụng chẳng hề thua đàn ghi-ta chuyên nghiệp, nhất là kiểu dáng rất độc đáo và thẩm mỹ.

Dương Thanh Khiết và cây “đàn que” độc, lạ

Dương Thanh Khiết với “cây đàn que” tự chế tác. Ảnh: H.H

Khiết cho biết, để làm được cây đàn độc đáo này, anh sử dụng 15 hộp que (mỗi hộp 100 que), sau khi chọn lựa, cắt gọt theo từng vị trí thì sử dụng hết 1.200 que. “Phác thảo cây đàn trên máy tính, sau đó đi vào từng chi tiết cụ thể. Kết cấu cây đàn có nhiều phần, quan trọng nhất là thùng đàn và cần đàn. Thùng đàn đòi hỏi phải kín, phẳng, đều. Nếu làm bằng gỗ thì dễ dàng, còn làm bằng que phải cắt gọt sao cho các que đều nhau, bằng phẳng thì âm thanh phát ra mới đồng âm. Nhưng khó nhất là làm cần đàn, đây là công đoạn phức tạp và chiếm 2/3 số lượng que (gần 800 que), do phải xếp dọc ngang dày đặc”- Khiết kể.

Chia sẻ về cách làm, Khiết cho biết đôi lúc cũng thấy nản, vì có những món linh kiện rất khó tìm mua. Đặc biệt là thanh “ti” chỉnh cần đàn phải đặt mua ở nước ngoài. Đây chính là điểm hoàn thiện của cây đàn, khắc phục nhược điểm cần đàn có thể bị cong vênh do nhiệt độ thời tiết thay đổi (nếu cần đàn bị cong vênh thì không thể đàn được). Còn chất kết dính giữa các que là các loại keo dán công nghiệp có thể dễ dàng tìm mua.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh nhận xét: “Đàn ghi-ta làm bằng que của Khiết khá độc đáo, thẩm mỹ. Trước đây, Khiết từng chế tạo nhưng cây đàn lần này chất lượng hơn, khắc phục được một số hạn chế lần trước”.

Dương Thanh Khiết và cây “đàn que” độc, lạ

Dương Thanh Khiết cẩn thận chế tác cây đàn ghi-ta bằng que. Ảnh: H.H

Hôm tôi ghé thăm cũng là lúc cây đàn que của Khiết đã hoàn thiện. Trong gian nhà nhỏ, anh bố trí riêng “xưởng chế tạo” với đầy đủ đồ nghề như: dụng cụ cắt, gọt, khoan, hàn điện, mài, kéo… để tự làm cho mình những món đồ yêu thích, độc đáo, lạ mắt. Thú vị hơn khi biết được nhiều món đồ trong nhà như: tủ, bàn, ghế… do anh tự làm nên. Anh còn làm xích đu, xe mô hình, đồ chơi cho con trai. Gần đây, anh còn làm loa Bluetooth bằng “que đè lưỡi” để nghe nhạc trong gia đình và tặng bạn bè. “Do có ít thời gian nên chỉ làm những lúc rảnh, vì thế phải mất hơn 3 tháng mới làm xong cây đàn. Bây giờ vui lắm, nhiều người hỏi mua nhưng chưa bán, vì rất kỳ công. Đây là sản phẩm ưng ý nhất của mình từ trước tới nay”.

“Thấy tôi vất vả chế tạo cây đàn, nhiều người khuyên “mày làm chi cho mất công (vì nhiều linh kiện không có bán ở Long Xuyên, phải đặt mua ở Sài Gòn, thậm chí nước ngoài), mua luôn cây đàn về xài cho rồi”! Nhưng mình quyết tâm làm cho hoàn thiện, trước hết là thỏa niềm đam mê. Với thành công này, sắp tới, mình ấp ủ ý tưởng chế tạo bộ nhạc cụ dân tộc làm bằng que. Chắc chắn sẽ thực hiện được”- Dương Thanh Khiết quyết tâm.

HỮU HUYNH