EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự và rút lực lượng

18/10/2019 - 13:45

Ngày 18-10, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cần chấm dứt chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria và rút quân đội về nước.

Xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Tal Abyad, Syria, ngày 13-10. Ảnh: THX/TTXVN

Động thái trên diễn ra sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày tại Đông Bắc Syria để cho phép lực lượng người Kurd rút quân khỏi khu vực “vùng an toàn” mà Ankara dự định thiết lập.  

Tuyên bố chung của lãnh đạo 28 nước EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) nêu rõ Hội đồng châu Âu ghi nhận thông báo của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạm ngừng bắn trong 5 ngày ở Đông Bắc Syria, song EU một lần nữa kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động quân sự của mình, rút các lực lượng và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.

Các nước EU cho rằng chiến dịch này đang gây "những nỗi đau không thể chấp nhận được cho con người" và hủy hoại cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng  

Trước đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli kêu gọi EU siết chặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng cho rằng EU nên đình chỉ các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU do chiến dịch tấn công trên.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 17/10 hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giảm căng thẳng tại Đông Bắc Syria và bảo vệ dân thường. Người phát ngôn của TTK LHQ cho biết ông Guterres cũng thừa nhận "đường vẫn còn dài để đạt tới một giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng tại Syria".

[Chú thích ảnh]
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh ác liệt tại thị trấn biên giới Ras al-Ain, Syria, ngày 17/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan tới thông báo ngừng bắn 5 ngày trên, Phó Tổng thống Mỹ Pence, đang có chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan về chiến dịch quân sự của nước này tại Đông Bắc Syria, cho biết Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đã bắt đầu rút khỏi khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập "vùng an toàn".

Theo Phó Tổng thống Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa chỉ tìm cách truy đuổi các tay súng YPG, không phải cả cộng đồng người Kurd, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng "sẽ không có tình trạng sơ tán hàng loạt".

Cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey cũng thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết với Mỹ rằng "vùng an toàn" mà họ định thiết lập tại miền Bắc Syria sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn, và sẽ không dẫn tới tình trạng sơ tán hàng loạt.

Theo truyền thông khu vực, trong chuyến công du lần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nêu điều kiện rằng Washington sẽ rút lại các lệnh trừng phạt đối với Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự tại Syria.

Trên chính trường Mỹ, chủ đề Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây bất đồng. Phản ứng về thông báo ngừng bắn kể trên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ "hủy hoại nghiêm trọng uy tín của chính sách đối ngoại của Mỹ", đồng thời "gửi đi một thông điệp nguy hiểm" tới các đồng minh và cả các đối thủ của Mỹ rằng "lời nói không đáng tin".

Hai nghị sĩ trên cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan "không từ bỏ điều gì" và Tổng thống Mỹ Donald Trump "đã cho ông ấy mọi thứ". Dự kiến Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về một gói trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Nga và Iran cho biết sẵn sàng tạo điều kiện cho đối thoại về Syria. Tại cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, hai bên đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt được ổn định lâu dài tại phía Đông sông Euphrates thông qua đối thoại giữa Damascus và Ankara, cũng như giữa chính phủ Syria và các đại diện của người Kurd.

Theo TTXVN