FED kêu gọi Quốc hội Mỹ tập trung giải quyết nợ công và thâm hụt

14/11/2019 - 09:38

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell ngày 13-11 kêu gọi Quốc hội nước này hành động để giải quyết tình trạng nợ công và thâm hụt tăng, nhằm đảm bảo đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế quốc gia.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Kinh tế hỗn hợp thảo luận về triển vọng kinh tế, ông Powell cho biết nợ công của Mỹ hiện đang "tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế". Ông cho biết nhiệm vụ của Chủ tịch FED không phải là đưa ra lời khuyên về chính sách "nhưng chúng tôi buộc phải làm như vậy", vì nếu không tiền đóng thuế của các thế hệ tương lai sẽ được sử dụng để trả lãi thay vì đầu tư cho giáo dục, an ninh và y tế.

Thâm hụt ngân sách Mỹ, mà ông Powell gọi là "không thể chấp nhận được", đã gần đạt đến ngưỡng 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2019, dù nền kinh tế đang tăng trưởng và lãi suất rất thấp. Trong khi đó, nợ công đã vượt mức 23.000 tỷ USD và còn tiếp tục tăng. Tiền trả lãi vay cũng đã tăng 10%, lên tới 572,8 tỷ USD, trong tài khóa đến ngày 30/9.

Chủ tịch FED cảnh báo nợ công và thâm hụt ngân sách có thể khiến các nghị sĩ không sẵn sàng hành động nếu Mỹ phải đối mặt với một đợt suy thoái khác. Ông Powell cảnh báo các công cụ của FED để đối phó với đợt suy thoái tiếp theo đang rất hạn chế.

Trong các đợt suy thoái trước, FED đã cắt giảm lãi suất trung bình tới 5 điểm phần trăm, nhưng giải pháp này không thể được tiếp tục áp dụng vì lãi suất cơ bản hiện nay đã giảm xuống biên độ từ 1,5-1,75%. Cũng theo Chủ tịch FED, chính sách thuế là "một phần quan trọng trong chuỗi phản ứng tuần hoàn" khi nền kinh tế có vấn đề, nhưng nợ công và thâm hụt tăng có thể làm giảm thiện chí và khả năng của các nhà hoạch định chính sách thuế trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế khi xảy ra suy thoái.

Dù đưa ra những cảnh báo trên nhưng ông Powell cũng cho biết nền kinh tế Mỹ dường như đang tiếp tục tăng trưởng bất chấp những nguy cơ đang phải đối mặt như tăng trưởng toàn cầu chậm lại và các cuộc tranh cãi thương mại.

Ông nhắc lại thông điệp đã đưa ra sau khi FED cắt giảm lãi suất lần thứ 3 hồi cuối tháng 9 rằng nới lỏng tiền tệ thêm nữa là không cần thiết, trừ phi có các diễn biến mới liên quan đến thương mại hay các vấn đề khác có thể làm thay đổi triển vọng kinh tế. Thông điệp này có lẽ sẽ không được Tổng thống Donald Trump hoan nghênh vì nhà lãnh đạo Mỹ vốn thường chỉ trích FED tăng lãi suất quá nhanh và giảm quá chậm.

Theo số liệu chính thức, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III đã chậm lại, từ 2,5% trong quý trước xuống còn 1,9%, một phần vì cuộc đình công kéo dài 40 ngày ở tập đoàn sản xuất ô tô General Motors và các cuộc tranh cãi thương mại làm giảm đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới xuất khẩu và sản xuất.

Theo TTXVN