Găm giữ USD không có lợi

26/07/2018 - 08:41

Đó là nhận định của các chuyên gia trước những biến động trên thị trường ngoại hối trong mấy tuần gần đây.

Giá USD giảm trong ngày 25-7 - Ảnh: Ngọc Thạch

Giá USD hạ nhiệt

Ngày 25-7, giá USD trên thị trường hạ nhiệt sau đà tăng trước đó. Giá USD trên thị trường liên ngân hàng dẫn dắt thị trường khi liên tục giảm giá 30 - 50 đồng/USD trong ngày, từ mức 23.250 đồng/USD chiều 24.7 xuống 23.220 đồng rồi giảm tiếp còn 23.200 đồng/USD vào chiều 25-7. Các ngân hàng (NH) thương mại cũng điều chỉnh giảm giá từ 50 - 65 đồng/USD so với ngày 25.7. Eximbank, Vietcombank... mua vào với giá 23.130 - 23.160 đồng, bán ra ở mức 23.230 - 23.240 đồng/USD.

Là NH có giá USD ở mức cao, Sacombank đã giảm giá mua về 23.140 đồng, giá bán còn 23.240 đồng. Giá USD trên thị trường liên NH giảm do lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao từ 4 - 5%/năm ở các kỳ hạn (gấp 2 - 3 lần so với lãi suất VNĐ cách đây khoảng 10 ngày) nên các NH có trạng thái ngoại hối dương đã thực hiện bán ra khiến giá cũng “rớt” nhanh hơn. Một nguồn cung USD nữa là từ phía các DN thấy USD tăng và lãi suất VNĐ cao nên bán ra để lấy tiền sản xuất kinh doanh, thay vì đi vay tiền đồng.

Trong 2 tuần qua, NHNN cũng đã thực hiện bán ngoại tệ, tăng nguồn cung để các tổ chức tín dụng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hạn chế biến động quá lớn của tỷ giá. NHNN cũng điều chỉnh tỷ giá bán linh hoạt, thấp hơn tỷ giá trần thể hiện mức độ sẵn sàng can thiệp, cũng như để tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với tình hình cung - cầu trong nước và diễn biến thị trường quốc tế.

Mặc dù NHNN không công bố số lượng ngoại tệ bán ra nhưng thị trường loan tin 1,77 tỉ USD đã được bung ra can thiệp trong những ngày qua.

Giữ tiền đồng có lợi hơn

Nhưng tâm lý găm giữ ngoại tệ vẫn có, và theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, là không phù hợp. Thực tế năm 2017 cho thấy, sau khi USD tăng nhanh đã quay đầu giảm sâu khiến thị trường dư thừa ngoại tệ, giá USD trên thị trường tự do có thời điểm còn thấp hơn giá trong NH. Khi đó, NHNN phải mua vào lượng ngoại tệ lớn tăng dự trữ ngoại hối. "Người dân cần hết sức cảnh giác với những "đợt sóng" như thế này.

Bởi với những chỉ số kinh tế vĩ mô đặt ra từ đầu năm, tỷ giá trong năm nay biến động trong biên độ khoảng 2% là hợp lý. Trong trường hợp tỷ giá tăng quá, NHNN đã có nguồn dự trữ ngoại hối lớn để xử lý, chưa kể các nguồn ngoại tệ khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối. Vì vậy, găm USD rất rủi ro", ông Tín cảnh báo và nhận xét, giá USD biến động trong những ngày gần đây là do thiếu cục bộ ở một số NH và NHNN đã bán ra lượng ngoại tệ để can thiệp. Các NH còn lại hầu như trạng thái ngoại tệ dương nên khả năng tình hình sẽ sớm ổn định.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyên: Hiện nay chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức cao, khoảng 7 - 8%/năm. Cụ thể, lãi suất gửi USD là 0%, dù tỷ giá có tăng thêm 1 - 2% nữa thì người dân vẫn thiệt nếu giữ USD. "Mặc dù thông tin căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc có thể làm cho nhân dân tệ mất giá thêm, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ trong nước nhưng việc mua ngoại tệ và găm giữ là không cần thiết. Hơn nữa, khi thị trường nóng lên, mọi người nhảy vào kiếm lời nên thường phải mua ở mức giá cao. Khi thị trường hạ nhiệt, giá giảm nhanh thì lại bán ra chốt lỗ, thiệt đến 2 lần", ông Hiếu phân tích.

Theo Thanh Niên