Gần 50% thí sinh cả nước điều chỉnh nguyện vọng

30/07/2018 - 14:31

Thống kê của Bộ GD&ÐT đến hết ngày 28/7 (ngày cuối cùng điều chỉnh nguyện vọng), cả nước có hơn 304.000/688.466 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ÐH, chiếm gần 50% thí sinh đăng ký xét tuyển ÐH trên cả nước.

Trong đó, số thí sinh điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến là 230.435. Số thí sinh điều chỉnh bằng phiếu điều chỉnh nộp trực tiếp tại các cơ sở là 74.059; số thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên là 113; số thí sinh điều chỉnh thông tin về đối tượng ưu tiên là 86. Riêng đối với khối ngành sư phạm, tổng số nguyện vọng đăng ký là 125.269, trong đó số thí sinh đăng ký cho nguyện vọng 1 là 43.928.

Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, khối ngành Kinh doanh và quản lý có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất năm nay với 739.040 nguyện vọng (do một thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng). Riêng ngành sư phạm năm nay có điểm sàn riêng cao hơn mức điểm sàn chung mọi năm nhưng vẫn có rất đông thí sinh đăng ký, cụ thể, có tổng số nguyện vọng sư phạm là: 125.269 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là: 43.928.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Điểm trúng tuyển ở các trường tốp đầu thông thường có thể cao hơn điểm sàn công bố từ 4-5 điểm, các trường tốp giữa, điểm trúng tuyển cao hơn khoảng từ 2-3 điểm, khối các trường còn lại có mức điểm trúng tuyển tầm ngang bằng hoặc nhỉnh hơn 1 điểm so với điểm sàn.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), với mặt bằng điểm thấp như năm nay, mức sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra thực sự là một thách thức đối với các trường. Việc nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều được dự báo trước. Rất nhiều chuyên gia tuyển sinh khẳng định với mặt bằng điểm thi năm nay, không ít trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt ở những vùng, ngành khó tuyển sinh hoặc hệ cao đẳng, trung cấp.

"Chúng tôi quan tâm đến những trường đưa ra chính sách chất lượng thấp. Nếu điều kiện đảm bảo chất lượng không tốt, chúng tôi cũng sẽ có những can thiệp hành chính. Chúng tôi đưa thông tin đầy đủ về những trường không đảm bảo chất lượng hoặc chính sách chất lượng thấp với các thí sinh để người học sẽ có sự lựa chọn riêng”, bà Phụng cho hay.

Đặc biệt, với khối ngành sư phạm cần thay đổi các mục tiêu, đưa ra các kế hoạch tuyển sinh cụ thể, thu hút thí sinh mới nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh giỏi. Năm nay không có quá nhiều thí sinh được điểm cao, mặt bằng điểm năm nay thấp hơn năm ngoái vì đề thi có tính phân loại cao. Đó là lý do các em nên chú ý tới tương quan giữa điểm của mình đạt được và điểm của những thí sinh cùng thi hay tương quan giữa điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường mà mình đăng ký.

“Các trường tốp trên vẫn lấy điểm cao, các trường tốp dưới vẫn lấy điểm thấp. Vì vậy, các thí sinh cần quan tâm tới tương quan điểm giữa các trường để chọn được trường vừa sức, phù hợp với mức điểm mình đạt được", Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khuyên thí sinh.

Ở khối ngành sư phạm, năm 2018 nhiều học sinh vẫn đăng ký khối này chứng tỏ sức hút của ngành nghề này không hề giảm vì mục tiêu của Bộ vẫn muốn nâng cao chất lượng đào tạo. Năm trước, Bộ quy định điểm sàn là 15 nhưng bằng cách tính này hay cách tính khác, có một số trường đã hạ sàn so với quy định.

“Tuy nhiên, đúng là do nhiều nguyên nhân như việc làm, thu nhập, khả năng chuyển đổi nghề thấp, áp lực công việc do kỳ vọng của xã hội cao… mà sư phạm vẫn chưa thể trở thành ngành hấp dẫn như chúng ta mong muốn” - bà Phụng nói. Chính vì vậy mà Bộ GD&ĐT, các địa phương cũng như Chính phủ đang tìm các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ GD&ÐT, riêng với nhóm ngành đào tạo giáo viên, cả nước có 128.248 nguyện vọng trước khi điều chỉnh. Trong đó, nguyện vọng 1 là 43.768. Tổng nguyện vọng sư phạm sau 10 ngày điều chỉnh 125.269, trong đó nguyện vọng 1 là 43.928. Như vậy, nguyện vọng 1 vào sư phạm sau 10 ngày điều chỉnh tăng thêm khoảng 200, nhưng giảm hơn 3 nghìn ở các nguyện vọng khác.

Theo baodansinh.vn