Gặp trưởng ấp… “không dễ”

22/11/2019 - 07:37

 - Trưởng ấp, trưởng khóm là cán bộ gần dân nhất, luôn bận bịu công việc, có những việc “có tên” và có những việc “không tên”, nhiệt tình có mặt mọi lúc, mọi nơi để chăm lo đời sống người dân. Thế nhưng, trên thực tế khi người dân cần đến sự giúp đỡ, hướng dẫn của trưởng ấp thì việc gặp gỡ không phải lúc nào cũng là… “chuyện dễ”.

Cán bộ địa phương cần gần dân, chăm lo tốt hơn đời sống người dân

Theo kinh nghiệm của một số người dân, ai muốn giải quyết những công việc có liên quan đến giấy tờ tại Văn phòng Ban Nhân dân ấp phải đi đúng “khung giờ” là 8 giờ, vì trước 8 giờ thì văn phòng… còn vắng bóng, sau 10 giờ thì thưa thớt. Ghi nhận tại TP. Long Xuyên, một lần phóng viên cần liên hệ đến trưởng khóm để xác minh một vụ việc, đến trước văn phòng lúc 7 giờ 45 phút, quả thật không có ai. Thấy số điện thoại trước trụ sở, phóng viên điện thoại thì được trả lời: “Cần gì, đợi chút mới đến giải quyết được”. Trong lần đi công tác tại huyện Chợ Mới, tranh thủ còn giờ hành chính (10 giờ sáng), phóng viên đến liên hệ thì thấy văn phòng đã đóng cửa, phóng viên phải liên hệ trực tiếp UBND xã mới tìm được số điện thoại của trưởng ấp.

Khi viết về một hoàn cảnh gia đình khó khăn, mắc bệnh nan y không tiền chữa trị tại huyện Thoại Sơn, thông qua một cán bộ (người xã khác), phóng viên được hướng dẫn đến tận nhà. Sau khi tìm hiểu xong, công việc của phóng viên là đến văn phòng ấp để thăm hỏi xem hoàn cảnh gia đình đó có khó khăn thật sự hay không. 3 giờ chiều, phóng viên ghé ngang thì văn phòng đã đóng cửa, đến khi tìm được số điện thoại trưởng ấp thì được cho hay chưa nắm được tình hình, khi nào xác minh lại sẽ cho hay sau. Đến 1 tuần sau, phóng viên liên hệ lại trưởng ấp thì được thông tin hãy liên hệ cấp trên, có ý kiến chỉ đạo mới trả lời được. Đến khi phóng viên liên hệ UBMTTQVN xã thì được trả lời rằng phải đợi liên hệ trưởng ấp mới nắm tình hình cơ sở và trả lời được.

Tại một ấp của huyện Châu Thành, phóng viên đã đến văn phòng ấp và gặp được trưởng ấp. Khi được hỏi về hoàn cảnh của một hộ dân khó khăn trên địa bàn, phóng viên nhận được câu hỏi từ trưởng ấp: “Có xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo xã chưa mà tự tiện xuống địa bàn phỏng vấn người dân như vậy? Tôi không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào nếu như không có sự chỉ đạo của cấp trên. Chị vui lòng đến UBND xã “trình diện”, khi nào sếp đồng ý, điện thoại chỉ đạo tôi, tôi mới trả lời chị được”. Cũng là xác minh hoàn cảnh khó khăn tại Thoại Sơn, phóng viên không gặp được trưởng ấp nên xin số điện thoại liên hệ. Lần đầu điện thoại, phóng viên nhận được câu trả lời rằng đang bận họp nên sẽ liên hệ lại sau. Mãi đến 1 tuần sau, khi phóng viên liên hệ lại vào lúc 3 giờ chiều thì được trả lời với một giọng hết sức "lè nhè".

Từ các thực tế trên có thể thấy rằng, một số cán bộ ở cơ sở, trực tiếp là một số trưởng ấp, phó ấp chưa thật sự tận tình trong công việc. Đó là ngoài thời gian xuống địa bàn dân cư thì cũng là thời gian ngoài văn phòng ấp. Các văn phòng ấp không có người trực tại văn phòng đến cuối giờ hành chính nên người dân gặp khó khăn trong việc chứng giấy tờ, liên hệ công tác. Có trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần mới có thể gặp được. Trong khi đó, một số cán bộ lấy giờ công làm việc riêng, làm việc cứng nhắc theo “quy trình”, ngại phát biểu, ngại chịu trách nhiệm. Trong khi trưởng ấp, phó ấp được ví như những “thổ địa” ở địa phương, biết từng ngôi nhà, ngõ phố vậy mà chỉ đơn giản thăm hỏi một hộ gia đình có đời sống như thế nào tại địa phương, hoàn cảnh gia đình xưa nay ra sao mà cũng không thể trả lời. 

Cán bộ địa phương, nhất là các trưởng ấp, phó ấp với đồng lương còn khiêm tốn trong khi phải kham nhiều phần việc "có tên" và "không tên" nhưng không vì thế mà lơ là trách nhiệm với dân. Có những trưởng ấp rất nhiệt tình trong công tác, luôn đồng hành cùng người dân, lo việc của người dân như chính việc của mình. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó những cán bộ cơ sở quan liêu, lơ là để người dân muốn đi chứng một tờ giấy cũng phải lắc đầu ngao ngán!

Bài, ảnh: NGỌC GIANG