'Gia tài' của thầy giáo về hưu

15/01/2018 - 14:59

46 năm theo nghề giáo, tài sản quý giá nhất của thầy Huỳnh Văn Minh là hàng ngàn lá phiếu chứa thông tin, lý lịch trích ngang của sinh viên thầy dạy.

A A

Thầy Huỳnh Văn Minh và "gia tài" của mình - Ảnh: THÙY TRANG

"Bộ sưu tập" có một không hai đó được thầy - nguyên giảng viên môn văn Trường ĐH Cần Thơ, xếp trang trọng trong tủ kiếng đóng ở góc phòng.

Mỗi lá phiếu là một phần cuộc đời

"Đây chỉ là phân nửa tư liệu sinh viên tôi còn giữ được, Tết Mậu Thân năm 1968 đã cháy mất rất nhiều rồi, tiếc lắm" - vừa nói thầy Minh vừa mang từng hộp nhỏ, cột và ghi rất kỹ lớp nào, khóa mấy, năm nào. 

Thầy tỉ mỉ mở từng hộp, bên trong nhiều tấm phiếu mặc dù có tuổi đời trên 40 năm nhưng hình ảnh, câu chữ vẫn rất rõ nét, sạch sẽ. 

"Em Thúy này đi học chỉ mặc duy nhất một bộ đồ màu đen, còn em Nhung rất thích làm thơ, em Hải nghèo lắm nhưng học rất giỏi, còn đây là em Lê Vũ Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT…" - cầm mỗi phiếu trên tay, thầy kể vanh vách đặc điểm từng sinh viên.

Thầy Minh kể lại từ năm 1963 bắt đầu đi dạy thầy đã có thói quen lưu lại thông tin học sinh. Nhận dạy lớp nào thầy đều xin mỗi sinh viên tấm ảnh, vài thông tin lý lịch trích ngang. 

Về nhà thầy tự tay cắt từng miếng bìa cứng rồi dán hình, ghi tên họ, năm sinh, quê quán sinh viên lên từng phiếu, đến nay thầy giữ không dưới hàng chục ngàn phiếu. 

"Tôi lưu giữ hình ảnh sinh viên cũng để lưu lại cuộc đời dạy học của mình. Nhiều thế hệ đã thành danh thành tài ra sao. Hơn nữa, tôi chỉ muốn nhớ hết lứa học trò của mình. Đó là điều hãnh diện nhất rồi" - thầy Minh chia sẻ.

Ai đã từng học qua thầy đều khẳng định chắc nịch: được học thầy là may mắn trong đời. Bởi những giờ học với thầy không chỉ gắn liền với câu chữ, sách vở mà là những bài học cuộc sống, đạo làm người. 

Chị Nguyễn Thị Như Hoàng, sinh viên khóa 30 Trường ĐH Cần Thơ, kể tiếp: "Bởi vậy thầy được mệnh danh là ông già Nam Bộ, sinh viên nào học thầy rồi đều gọi thầy bằng cái danh trìu mến ấy".

Mỗi bài giảng của thầy đều gắn liền với một điển cố hoặc điển tích, nhất là thầy như một kho tàng về kiến thức đông tây kim cổ. Thế hệ sinh viên tụi mình rất yêu mến phong thái uyên bác, lịch lãm nhưng lại cực kỳ gần gũi, đậm chất Nam Bộ của thầy"

Chị Nguyễn Thị Như Hoàng (sinh viên khóa 30 Trường ĐH Cần Thơ)

Thầy, đám cưới và cặp vịt

Chuyện không thể quên khi nhắc đến người thầy đặc biệt là khi ra trường, kết hôn với người cùng lớp đều được tặng một cặp vịt trống mái và hai lít rượu. Anh Đào Duy Tùng (khóa 30 ĐH Cần Thơ, hiện là giảng viên ĐH Cửu Long) là một trong những cặp đôi được vinh dự đó. 

Thầy Minh cười sảng khoái: "Tui làm theo lẽ tự nhiên thôi, vậy mà tụi nó cảm động lắm, cứ nhắc hoài. Cặp vịt là theo điển tích xưa cưới hỏi phải có cặp nhạn thể hiện sự gắn bó thủy chung, giờ không có nhạn, thay bằng cặp vịt trắng là vậy đó". 

Rồi thầy nói thêm: hàng trăm lớp thầy dạy tính đến nay cũng chỉ vài ba chục cặp đôi được nhận cặp vịt thôi.

Thầy tâm niệm dạy văn khác những môn khác, không phải dạy tác phẩm này hay bài văn nọ, mà người học văn phải hoàn chỉnh về nhân cách, đối nhân xử thế, hay đúng hơn là hướng con người đến "chân, thiện, mỹ". 

Bài giảng đầu tiên của thầy là viết chữ đúng nét, đúng chính tả, câu cú rõ ràng, ai không đạt đều bị trừ điểm mạnh tay trong bài thi, còn yếu kiến thức thầy du di hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Trường ĐH Cần Thơ, một trong những sinh viên gắn bó với thầy, sau này trở thành đồng nghiệp, tâm sự rằng nếu ngày đó không có thầy Minh thì không được như ngày hôm nay. 

"Tôi đến trường với nỗi lo nghèo khó, quần áo không đủ để mặc, cơm cũng không đủ no. Thầy kêu tôi cứ đến nhà thầy ở, ai có ngờ nhà thầy cũng nghèo lắm, thầy trò phải đi xin cây về dựng thêm vách nhà, kê thêm mấy tấm gỗ để có chỗ ngủ cho tôi và nhiều bạn cũng nghèo như tôi nữa. 

Ngoài đi dạy, thầy còn chăn nuôi để có thêm tiền trang trải trong gia đình và nuôi tụi học trò nghèo như chúng tôi" - thầy Nở kể lại.

Nhớ nhất là câu nói cửa miệng của thầy: "Bất cộng đới thiên với lũ ngu dốt" - nghĩa là dốt thì đừng kiếm thầy, đừng coi thầy là thầy, bởi thầy đã dạy hết lòng mà không biết gì thì quá lười biếng rồi. Nên ai thấm thía sau khi ra trường đều trở về thăm thầy hết"

Anh Đào Duy Tùng, giảng viên Trường ĐH Cửu Long.

Thầy Nở nói truyền thống đó vẫn kéo dài đến tận bây gờ, lúc nào cũng có sinh viên ăn ở miễn phí ở nhà thầy. "Có gì đâu, nhà trống thì cho tụi nó ở, mình ăn gì thì mấy đứa ăn chung. Cho tụi nó bớt cái lo lại mà ráng học, học giỏi, thành tài là mình vui rồi" - thầy Minh giải thích gọn lỏn.

Trên vách nhà thầy treo rất nhiều hình sinh viên mặc áo cử nhân ra trường, bên dưới đề dòng chữ "Kính tặng thầy", "Kính tặng ông ngoại". "Mấy đứa đó ở chung riết quen tay quen chân, ra trường đứa nào cũng gửi tấm hình vậy đó, vậy là mãn nguyện rồi, gia tài lớn lắm nghen" - thầy Minh tâm đắc.

Những phiếu sinh viên được thầy Minh lưu giữ:

Huỳnh Văn Minh - Con đường tôi đi

Đó là mảnh giấy nhỏ được thầy Minh ghi chú cẩn thận những thăng trầm cuộc đời mình từ khi ra đời đến khi hoàn thành sứ mệnh dạy học. Thầy ghi rõ:

- Từ năm 1963-1975: đã dạy 134 lớp, tổng số sinh viên học sinh là 31.054 người với 11.196 giờ, chấm 168.714 bài tập, bài thi.

- Từ năm 1975-2009: làm giảng viên chính Trường ĐH Cần Thơ và trên 25 điểm trường khắp các tỉnh ĐBSCL, đã dạy 336 lớp, 17.669 sinh viên, học sinh, cán bộ, bộ đội, chấm 260.974 bài tập, niên luận, khóa luận tốt nghiệp.

 

Theo THÙY TRANG (Tuổi Trẻ)