Giá tôm thẻ, cá tra đều giảm mạnh

11/08/2019 - 14:19

Thị trường thủy sản tháng 7 giá cả biến động, nhiều mặt hàng giảm giá sâu khiến người nuôi lỗ nặng.

Giá mua cá ba sa giảm khiến người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg. Công Hân

Theo Tổng cục Thống kê và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 7 ước đạt 400.000 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng cá đạt 267.100 tấn, tăng 6%; tôm đạt 87.600 tấn, tăng 0,9%.

Tuy nhiên, tình hình giá cá tra giảm liên tục khiến người nuôi gặp khó khăn. Hiện giá cá tra dao động từ 19.000-20.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra tháng 7 ước tính đạt 127.700 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 44.500 tấn, tăng 5,3%; An Giang đạt 38.700 tấn, tăng hơn 10%.

Thực tế, giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại thị trường nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua giảm liên tục, thấp nhất 1.000 đồng/kg so với tháng trước, có thời điểm giảm 2.000 đồng/kg. Hiện giá mua cá tra loại 1 (800-900 g/con) khoảng 21.000 đồng/kg, giá mua tại hồ thấp hơn 1.000 đồng/kg nữa. Không chỉ giá giảm mà sức thu mua của các doanh nghiệp cũng giảm.

Giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh. Dũng Minh

Ngoài cá tra, trong tháng 7, số liệu thống kê cho thấy, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều giảm do lượng đơn hàng xuất khẩu giảm. Tại Bạc Liêu, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 75.000 đồng so với tháng trước xuống còn 165.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giảm 65.000 đồng xuống mức 145.000 đồng/kg; loại 40 con giảm 25.000 đồng xuống còn 125.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá tôm thẻ ướp đá cũng giảm đều các kích cỡ. Loại 60 con/kg giảm 7.000 đồng xuống 88.000 đồng/kg; 70 con/kg giảm 1.000 đồng còn 84.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giảm 2.000 đồng còn 70.000 đồng/kg.

Giá tôm giảm khiến người dân giảm diện tích và mật độ nuôi tôm. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 7 đạt 55.600 tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có sản lượng giảm mạnh như Cà Mau giảm 4%, Trà Vinh giảm 39,7%, Kiên Giang giảm 0,9%. Sản lượng tôm sú lại tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bạc Liêu đạt 14.000 tấn, tăng 9,2%, Trà Vinh đạt 2.200 tấn tăng 15,8%.

Về hoạt động xuất khẩu, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7 ước đạt 785 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4,7 tỉ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm gần 56% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU, đạt hơn 300 triệu USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2018.

Với Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) từ Việt Nam vào EU sẽ giảm từ mức hiện tại là 12,5% về 0%; thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) vẫn giữ nguyên 0%; tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 sẽ giảm thuế từ 12% hiện tại về 0%; tôm mã HS 03061794 sẽ giảm từ 18% hiện tại về 0% sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) từ mức 20% hiện tại sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm mã HS 16052190 (tôm khác) từ 20% về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo LAM NGHI (Báo Thanh Niên)