Giá vàng châu Á tăng lên mức cao nhất trong một tuần qua

21/08/2018 - 19:44

Giá vàng châu Á trong phiên chiều 21-8 đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần qua, do đồng USD giảm giá sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “phàn nàn” về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chủ trương nâng lãi suất.

Vào lúc 14 giờ 1 phút (giờ Việt Nam) tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.194,81 USD/ounce sau khi đã có lúc tăng lên 1.196,27 USD, mức cao nhất kể từ ngày 14-8. Trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,5% lên 1.200,60 USD/ounce.

Đồng USD đã giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác, trong đó có đồng yen, ngày 21-8 sau khi ông Trump, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, nói ông không hài lòng với động thái tăng lãi suất của Fed - dưới sự dẫn dắt của ông Jerome Powell, người do chính Tổng thống Trump bổ nhiệm. Tổng thống Mỹ đồng thời cho rằng cơ quan này nên hành động nhiều hơn để giúp thúc đẩy kinh tế.

Giá vàng châu Á tăng lên mức cao trong một tuần qua. Ảnh: Getty

Giá vàng khá nhạy cảm với việc Mỹ tăng lãi suất vì động thái này thường làm tăng chi phí cơ hội khi nhà đầu tư nắm giữ kim loại quý không sinh lãi này và làm tăng giá đồng USD. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, Fed đã tăng lãi suất hai lần và dự kiến sẽ tăng hai lần nữa trước cuối năm nay.

Trong ngày 21-8, chỉ số đồng USD có lúc đã giảm 0,3% xuống còn 95,608.

Trong khi đó, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 14,79 USD/ounce. Giá bạch kim tiến 0,8% lên 799,90 USD/ounce và giá pa-la-đi tăng 0,3% lên 913,50 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch chiều 21/8, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đi lên tại thị trường châu Á khi thị trường nhiên liệu Mỹ đang có xu hướng thắt chặt.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore  phiên này, giá dầu WTI giao tháng 9/2018 tăng 0,30 USD (0,45%) lên 66,73 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn dầu này hết hạn vào ngày 21-8. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc lại giảm nhẹ 0,09 USD xuống 72,12 USD/thùng.

Giới đầu tư cho biết dự trữ các chế phẩm dầu mỏ tại Mỹ như dầu diesel, dầu sưởi ấm đang ở mức thấp nhất trong bốn năm qua. Ngoài thị trường Mỹ, các thị trường đang tập trung theo dõi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2018.

Ngân hàng BNP của Pháp dự kiến sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó Iran là một thành viên, sẽ giảm từ mức bình quân 32,1 triệu thùng/ngày năm 2018, xuống 31,7 triệu thùng/ngày trong năm 2019.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường do những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.

Theo Báo Tin Tức