Giải pháp bảo vệ môi trường ở An Giang

12/12/2018 - 07:38

 - Với dân số hơn 2,1 triệu người, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh 1.148 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó ở đô thị khoảng 505 tấn (44%), nông thôn khoảng 643 tấn (56%). Ngoài ra, mỗi ngày phát sinh khoảng 300.000m3 nước thải sinh hoạt. Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, hoạt động thu gom rác thải đã có những chuyển biến tốt, mở rộng và thu gom ở 153/156 xã, phường, thị trấn với khoảng 726 tấn rác/ngày, đạt 63%, còn khoảng 422 tấn rác/ngày thì tự chôn lấp, đốt hoặc thải ra sông, rạch… Đến nay, đã hoàn thành đóng lấp 6/9 bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 3 bãi rác còn lại dự kiến hoàn thành đóng lấp trong năm 2019. Rác sinh hoạt hiện được xử lý bằng 3 hố chôn lấp hợp vệ sinh tại Châu Thành, Phú Tân và TP. Châu Đốc; 6/8 mô hình ủ phân compost và 7 bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã. Dự kiến cuối năm 2019, 3 hố chôn lấp hợp vệ sinh sẽ đầy, cần đóng lấp nên phải có nhà máy xử lý rác thu gom.

Đồng thời, toàn tỉnh còn có 22 khu đô thị và 245 cụm, tuyến dân cư phát sinh lượng nước thải sinh hoạt khoảng 300.000m3/ngày, đêm. Tỉnh đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung cho TP. Châu Đốc (3/7 phường) với công suất 5.000m3/ngày, đêm; đang triển khai hệ thống xử lý nước thải tập trung cho TP. Long Xuyên với công suất 30.000m3/ngày, đêm. Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học tại 5/247 cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Các khu đô thị và cụm tuyến dân cư còn lại chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh và hệ thống xử lý nước thải tập trung nên nước thải chỉ được xử lý sơ bộ qua các hầm tự hoại, rồi thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Ngoài ra, lượng nước thải từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chưa xử lý (hoặc xử lý chưa đạt chuẩn), được thải trực tiếp ra sông, rạch… gây ô nhiễm nguồn nước.

Hiện, toàn tỉnh có 15 khu, điểm du lịch, tuy nhiên chưa có quy chế BVMT trong các khu, điểm du lịch, lễ hội. Vậy nên, hoạt động BVMT giữa các khu, điểm du lịch không giống nhau, trách nhiệm BVMT ở nhiều nơi chưa nhất quán, dẫn đến tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan, ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông, nhiễu loạn sinh thái, ô nhiễm nguồn nước do nước thải phát sinh từ các hộ kinh doanh và hộ gia đình chưa được thu gom xử lý… Cùng với đó, một số công viên, chợ, khu vực ở đô thị chưa được bố trí đủ dụng cụ thu gom rác và chưa có nhà vệ sinh công cộng, nên làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh còn 50 khu, điểm và cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý ở 9 địa phương.

Có thể nói, ngoài những yếu tố khách quan thì ý thức, trách nhiệm BVMT trong cộng đồng vẫn chưa cao, nhất là một số nơi còn xem công tác BVMT là nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường; việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa đủ sức răn đe… nên ảnh hưởng đến công tác BVMT. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Hùng Dũng cho rằng, để khắc phục những hạn chế này và nhằm thực hiện được mục tiêu BVMT bền vững, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp. Trước hết là mở rộng tuyến thu gom rác, nơi nào chưa có thì làm mô hình xử lý tại chỗ để giảm tối đa lượng rác thải phát sinh. Đầu tư nhà máy xử lý chất thải đạt chuẩn; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, chợ… theo quy định. Nhất là tăng cường BVMT ở các khu, điểm du lịch, khu vực công cộng. Trang bị dụng cụ thu gom rác, tăng cường tần suất thu gom rác sinh hoạt và thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các hộ kinh doanh, dịch vụ ở các khu, điểm du lịch…

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các ngành, địa phương tăng cường quản lý BVMT. Trong đó, đề xuất Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư 3 nhà máy xử lý rác theo cụm. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra hoạt động BVMT và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế BVMT đối với các khu, điểm du lịch và nơi tổ chức lễ hội. Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị An Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 lò đốt rác đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, trong đó, vận hành lò đốt rác thải sinh hoạt tại huyện Thoại Sơn, đầu tư 2 lò đốt rác tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) và thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới) trong quý I-2019. Phối hợp các địa phương tăng cường thu gom, xử lý rác thải, trong đó ưu tiên mở rộng tuyến và nâng tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm soát ô nhiễm tại các hố chôn lấp; phối hợp triển khai thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn…    

Bài, ảnh: HỮU HUYNH