Giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Tịnh Biên

08/05/2018 - 06:52

 - Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp (KTNN) huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, TS Nguyễn Hữu Đặng làm chủ nhiệm.

Đất chuyên màu: 2 vụ ớt, 2 vụ mướp, 2 vụ cà tím, 3 vụ khổ qua, 2 vụ bí đao phù hợp vùng đất huyện Tịnh Biên

Đề tài được thực hiện 18 tháng (từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2017),  với 5 nội dung chính: một số lý luận cơ bản về chuyển đổi cơ cấu KTNN; đánh giá thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu KTNN huyện Tịnh Biên; định hướng chuyển đổi cơ cấu KTNN huyện Tịnh Biên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; các giải pháp chuyển đổi cơ cấu KTNN huyện Tịnh Biên; phát hiện, lựa chọn và đề xuất phương án hoàn thiện mô hình điểm phục vụ chuyển đổi cơ cấu KTNN của địa phương hiệu quả.

Mục tiêu nhằm xây dựng các cơ sở khoa học làm định hướng cho tái cơ cấu sản xuất (SX) NN của huyện. Đề tài đã khảo sát 63 mô hình SXNN trên 7 nền đất SX và chăn nuôi; thực hiện 28 cuộc đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng với nông dân SX giỏi và cán bộ địa phương.

Theo TS Nguyễn Hữu Đặng, bằng phương pháp phân tích thu nhập, chi phí, kết quả nghiên cứu cho thấy, các mô hình kết hợp với màu đều có giá trị SX từ 120-130 triệu đồng/năm, gấp đôi các mô hình chuyên lúa và cho hiệu quả KT cao hơn các mô hình chuyên lúa.

Trong các mô hình chuyên lúa, lúa chất lượng cao có hiệu quả KT cao hơn lúa phẩm chất thấp (IR50404). Các loại cây màu cho hiệu quả KT cao gồm: đậu phộng, sen, ớt. Cây ăn trái cho giá trị SX và hiệu quả KT cao, gồm: quýt, xoài, thanh long. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, con bò và gà vườn cho hiệu quả KT cao hơn các vật nuôi khác.

Qua phân tích rút ra được 3 mục tiêu, với 6 tiêu chí: mục tiêu về đầu vào với 2 tiêu chí là yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu vốn đầu tư; mục tiêu về thị trường với tiêu chí là thị trường tiêu thụ, tính ổn định của giá cả và khả năng liên kết SX - tiêu thụ; mục tiêu về hiệu quả KTvới 2 tiêu chí là doanh thu và lợi nhuận của mô hình.

TS Nguyễn Hữu Đặng cho biết: "Kết quả nghiên cứu đã đề xuất các mô hình SX tiềm năng được lựa chọn cho định hướng chuyển đổi SX trên nền đất. Nền đất lúa 3 vụ: 3 vụ đậu phộng, 3 vụ lúa OM6976, 2 lúa IR50404-sen, khoai lang - lúa - đậu phộng. Nền đất lúa 2 vụ: 3 vụ sen, lúa AG 103-AP 2010, 2 vụ Jasmine. Nền đất lúa - màu 3 vụ: 3 vụ đậu phộng, 3 vụ mè, 2 vụ đậu phộng - lúa, 2 lúa - ớt. Nền lúa - màu 2 vụ: Nghệ xà cừ, 2 vụ mè, củ sắn - khoai mì, ớt - lúa, cà tím - lúa.

Đất chuyên màu: 2 vụ ớt, 2 vụ mướp, 2 vụ cà tím, 3 vụ khổ qua, 2 vụ bí đao. Đất vườn tạp và lúa 1 vụ: quýt, chuối, thanh long, xoài và khoai mì công nghiệp. Dưới tán rừng: quýt và hồng quân. Trong hoạt động chăn nuôi, heo và bò là vật nuôi được chọn".

Để thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu SXNN, đề tài đã đề xuất danh mục mô hình điểm và các giải pháp, đó là: phát triển giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật SX; tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi; đào tạo nâng cao năng lực chuyển giao khoa học kỹ thuật SX và tổ chức, điều hành SX ngành trồng trọt, chăn nuôi; phát triển thị trường sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt; phát triển liên kết SX và tiêu thụ trong ngành trồng trọt; phát triển quan hệ SX trong ngành trồng trọt, chăn nuôi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mô hình chuyên màu và lúa màu kết hợp cho giá trị SX và hiệu quả KT cao hơn các mô hình chuyên lúa. Phân tích đa mục tiêu cho thấy, các vùng đất lúa 3 vụ và lúa màu có tiềm năng chuyển đổi thành các mô hình kết hợp lúa màu và chuyên màu nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.

Đất vườn tạp và lúa 1 vụ còn nhiều là tiềm năng phát triển các mô hình cây ăn trái kết hợp du lịch, do địa hình đa dạng, thổ nhưỡng và điều kiện thủy lợi khác nhau.

Do vậy, cần duy trì sự phân vùng SX đa dạng nhằm phát huy tiềm năng của từng vùng; giải pháp thủy lợi và kỹ thuật SX là các giải pháp trọng tâm để chuyển đổi cơ cấu SX trong thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu sẽ chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tịnh Biên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên và các tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu, triển khai ứng dụng và nhân rộng.

HẠNH CHÂU