Giải pháp hạn chế đường cát nhập lậu

21/11/2019 - 07:29

 - Trên địa bàn biên giới Tây Nam hiện nay, 2 mặt hàng được các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để đưa qua biên giới, đẩy sâu vào nội địa tiêu thụ, kiếm lời là đường cát và thuốc lá điếu. Câu hỏi đặt ra là, vì sao các đối tượng lại chọn 2 mặt hàng này để buôn lậu? Giải pháp nào nhằm hạn chế tình trạng này?

Từ thực trạng

An Giang có đường biên giới chung với nước bạn Campuchia dài gần 100km (bao gồm đường bộ và đường sông). Việc giao thương qua lại của cư dân 2 bên biên giới khá thuận lợi, dễ dàng, là điều kiện để các đối tượng buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Mặt khác, phía ngoại biên có 26 kho chứa hàng hóa gồm: thuốc lá điếu, đường cát, rượu, bia, đồ điện tử, điện lạnh, quần áo đã qua sử dụng. “So với các mặt hàng khác, 2 mặt hàng vừa nêu có sự chênh lệch giá giữa 2 nước (Việt Nam và Campuchia) lớn, vì vậy buôn lậu 2 mặt hàng này sẽ có lời nhiều hơn” - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Huỳnh Ngọc Hồ phân tích.

8 tấn đường cát chở trên xe tải, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ bị tạm giữ

Ở An Giang, các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, tìm mọi cách đối phó với các lực lượng chống buôn lậu. Họ cấu kết, móc nối với nhau thành đường dây từ biên giới vào nội địa. Hàng hóa được tập kết sát biên giới, khi có thời cơ “thuận lợi”, các đối tượng dùng phương tiện vỏ lãi, xuồng cao tốc hoặc thuê người đai vác vận chuyển hàng qua biên giới (vào mọi thời điểm, mọi nơi). “Quá trình hoạt động, buôn lậu luôn tổ chức người theo dõi, giám sát mọi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu để thông báo cho nhau và tìm mọi cách để đối phó, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết, phương tiện giao nhận hàng hóa” - đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Phó Trưởng BCĐ 389 tỉnh chia sẻ.

Đối với mặt hàng đường cát nhập lậu, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng quay vòng hóa đơn mua hàng tịch thu, các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi để hợp thức hóa đường cát nhập lậu. Thành lập các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sang chiết, pha trộn các loại đường cát với nhau. Ngoài ra, trên tuyến biên giới hình thành các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đường phèn; các đối tượng vận chuyển từ biên giới đưa thẳng vào đây để sơ chế hoặc thay đổi bao bì nhãn mác; sau đó vận chuyển vào sâu nội địa để tiêu thụ.

Đến giải pháp

BCĐ 389 tỉnh cho biết, chỉ tính 10 tháng của năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 187 vụ liên quan đến trên 371 tấn đường cát, 400kg đường phèn (tăng 23% so với cùng kỳ), trị giá hàng hóa khoảng 3,3 tỷ đồng. Các lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính 64 đối tượng, số tiền trên 952 triệu đồng. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhu cầu sử dụng đường trong nước khoảng 1.973.000 tấn, trong đó lượng đường sản xuất trong nước khoảng 1.173.000 tấn, đường nhập lậu khoảng 800.000 tấn. Tại hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, đại diện các nhà máy sản xuất đường của Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất, giải pháp để kiểm soát đường cát nhập lậu là thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng quỹ để hỗ trợ cho công tác chống buôn lậu. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống buôn lậu, thực hiện ký kết với các đại lý phân phối trong hệ thống bán hàng…

Bắt đường cát nhập lậu tại xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc)

Ông Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, để hạn chế tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Thường trực BCĐ 389 tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có mặt hàng đường cát. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển đường cát nhập lậu; tập trung kiểm tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới và tình trạng lợi dụng các bất cập về cơ chế, chính sách để buôn lậu mặt hàng này. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, nhất là các kho chứa, bãi tập kết mặt hàng đường cát; ngăn chặn hạn chế phát sinh các điểm nóng về buôn lậu…

Với những giải pháp vừa nêu, hy vọng việc buôn lậu mặt hàng đường cát nhập lậu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.

Bài, ảnh: MINH HIỂN