Giải pháp kéo giảm tàu cá khai thác hải sản trái phép

08/08/2018 - 14:23

Trước tình trạng các tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre vi phạm đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài trong năm 2017, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre ban hành các văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 689 tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

A A

Tuyên truyền ngư dân không đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: baodongkhoi.vn

Tỉnh Bến Tre cũng cam kết từ nay đến cuối năm 2018, sẽ không để xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm đánh bắt trên vùng biển nước ngoài.

Ban Chỉ đạo 689 của tỉnh cụ thể hóa chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre bằng nhiều hình thức, biện pháp như: Chi cục Thủy sản phối hợp với các Đồn Biên phòng, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) và UBND các xã biển tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến Luật thủy sản năm 2017 cho ngư dân trên địa bàn; tuyên truyền vận động chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân huyện Ba Tri và Bình Đại không đánh bắt bất hợp pháp.

UBND các xã ven biển thuộc huyện Bình Đại và Ba Tri tổ chức cho người dân thuyền trưởng chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre tổ chức chuyến đến tỉnh Cà Mau để trao đổi, học tập kinh nghiệm và đề nghị phối hợp, hỗ trợ quản lý tàu cá ngư dân Bến Tre hoạt động đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đồng thời, UBND huyện Ba Tri ban hành quyết định thành lập Ban đại diện ngư dân huyện Ba Tri tại tỉnh Cà Mau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập yêu cầu lãnh đạo các xã ven biển có tàu cá hoạt động xa bờ phải thuyết phục các chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm đánh bắt trên vùng biển nước ngoài. Đồng thời, phải xử phạt chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm và buộc các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên vi phạm phải kiểm điểm trước dân, làm gương cho các tàu khác rút kinh nghiệm.

Đối với các tàu cá có chiều dài từ 24m nước trở lên, trong năm 2018, phải gắn thiết bị giám sát hành trình để các đơn vị quản lý theo dõi, kịp thời thông báo, cảnh báo cho tàu nếu có dấu hiệu vi phạm vùng biển đánh bắt.

Ông Nguyễn Hữu Lập cũng đề nghị Ban chỉ đạo 689 tỉnh xem xét không cho các tàu cá vi phạm được hưởng những chính sách, ưu đãi của Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

UBND tỉnh thống nhất với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cuối tháng 8-2018 tổ chức cuộc họp bàn về quy chế phối hợp giữa 8 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện tàu cá trong tỉnh hoạt động đánh bắt trên vùng biển hầu như chưa được kiểm soát, do lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản chỉ có một tàu thanh tra công suất 385 mã lực, năng lực hoạt động hạn chế từ vùng ven bờ trở vào.

Trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, Thanh tra chuyên ngành thủy sản phối hợp với Hải đội 2 Biên Phòng (có ba tàu Biên phòng) nhưng cũng chỉ tuần tra, kiểm soát từ vùng ven biển trở vào, trong khi các đội đánh bắt chủ yếu của tỉnh hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi xa bờ.

Bên cạnh đó, công điện 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tàu cá phải được lắp đặt thiết bị giám sát, tuy nhiên, Luật Thủy sản năm 2017 quy định lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Ngoài ra, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có hướng dẫn triển khai quy định về thiết bị giám sát trên tàu cá nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa thực hiện quy định này.

Ông Nguyễn Văn Buội cũng cho biết vừa qua, Chi cục Thủy sản đã đầu tư lắp đặt một trạm bờ dùng để xác định vị trí tàu trên biển thực hiện chính sách hỗ trợ trong chương trình biển xa.

Tuy nhiên, dự án trạm bờ phục vụ cho chương trình biển xa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc VX.1700 có tích hợp định vị vệ tinh (GPS), trong khi tàu cá xa bờ của tỉnh hầu hết trang bị thiết bị thông tin liên lạc ICOM thông thường, không tương thích với thiết bị của trạm bờ nên không tận dụng được trạm bờ để giám sát vị trí tàu của tỉnh hoạt động trên biển.

Thời gian qua, hầu hết các tàu cá của tỉnh Bến Tre vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ thường xuyên đăng ký tạm trú, xuất bến và đánh bắt khai thác hải sản, buôn bán đều diễn ra ở tỉnh Cà Mau nên gây khó khăn cho các ngành trong quản lý và rà soát, xác minh cũng như xử lý vụ việc.

Theo Đại tá Nguyễn Chí Quang, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thuyền trưởng, ngư dân về đánh bắt hợp pháp trên biển là việc cần làm. Tuy nhiên, vẫn cần có chế tài xử phạt thật nặng các tàu cá đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, đối với những tàu cá vi phạm phải bị xóa số hiệu, xóa đăng ký; đối với thuyền trưởng vi phạm sẽ bị tước giấy phép hành nghề. Có như vậy mới đủ sức răn đe, hạn chế các tàu cá đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Chí Quang cũng cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Chính những hạn chế này gây khó khăn cho Bộ đội Biên phòng trong quản lý, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (Luật Thủy sản năm 2017 đã điều chỉnh mức phạt, tuy nhiên, chưa có hiệu lực áp dụng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chưa hoàn chỉnh).

Vì vậy, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh bổ sung Nghị định số 103/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo TTXVN