Giải pháp xử lý rầy hiệu quả

06/12/2018 - 06:55

 - Trước tình trạng tính kháng của rầy ngày càng tăng, một số loại thuốc trừ rầy thông dụng trở nên kém hiệu quả, cần áp dụng kỹ thuật tổng hợp trong xử lý rầy. Việc xuống giống né rầy, theo dõi bẫy đèn thường xuyên, lựa chọn thời điểm phun thuốc phù hợp và sử dụng đúng thuốc có hoạt chất trừ rầy hoàn toàn mới như Pexena 106SC được xem là giải pháp khả thi nhất hiện nay.

Các nhà nghiên cứu kiểm tra quy trình phòng trừ rầy thí nghiệm

Đề phòng chu kỳ bùng phát rầy

Năm 2018 có thể xem là năm “yên bình” với rầy nâu, khi mà phần lớn diện tích bị nhiễm đều là nhiễm nhẹ, tỷ lệ gây hại không nghiêm trọng so với các năm trước. Tại An Giang, năm 2017, tình trạng rầy nâu tấn công chẳng những ảnh hưởng đến năng suất, mà còn mang virus gây nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho 1.024ha lúa, trong đó có 10,2ha tại huyện Tri Tôn bị nhiễm nặng buộc phải tiêu hủy.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang cho biết, gần cuối vụ đông xuân 2017-2018, rầy nâu vào đèn tập trung ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với mật số từ vài ngàn con/bẫy/đêm, cá biệt có nơi đến cả chục ngàn con/bẫy nhưng cơ bản tỷ lệ gây hại không nhiều. Sang vụ hè thu 2018, khoảng 150ha lúa xuống giống sớm tại Tri Tôn và 10ha tại TP. Long Xuyên bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nhưng ở mức độ nhẹ. Vụ thu đông 2018, tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cơ bản được kiểm soát tốt.

Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, nếu như năm 2017, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã tái bùng phát, gây hại trở lại tại các tỉnh phía Nam với diện tích nhiễm bệnh 16.360ha thì vụ lúa hè thu 2018, virus bệnh này vẫn tiếp tục phát sinh gây hại nhưng chủ yếu trên lúa hè thu tại các địa phương: Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu và An Giang với diện tích chỉ hơn 6.200ha. Nhìn chung, mức độ nhiễm và gây hại do rầy nâu năm 2018 giảm rất nhiều so với những năm cao điểm 2016-2017. Tuy nhiên, qua giám định elisa 170 mẫu rầy nâu vào đèn ở 6 tỉnh ĐBSCL vào đầu tháng 6-2018, Trung tâm BVTV phía Nam phát hiện 25/170 mẫu nhiễm virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (chiếm 17,71%).

“Tình hình rầy nâu có khuynh hướng giảm nhưng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tăng của năm 2018 rất giống với chu kỳ rầy nâu 13 năm quay lại gây hại nặng 1 lần. Điển hình như năm 2005, rầy nâu rất “yên bình” nhưng sang năm 2006, rầy nâu bùng phát mạnh, gây hại rất nặng nề cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL. Do vậy, khả năng chu kỳ rầy nâu gây hại nặng năm 2019 là rất lớn, cần đề phòng, không được chủ quan”- Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam Đỗ Văn Vấn cảnh báo.

Nỗi lo kháng thuốc

Nếu như đầu những năm 2000, rầy nâu chủ yếu gây hại ở vụ đông xuân thì những năm gần đây, rầy xuất hiện và gây hại ở cả 3 vụ lúa. Cùng với việc một số loại thuốc trừ rầy thông dụng đã trở nên kém dần tính hiệu quả trong phòng, chống rầy, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy, tính kháng của rầy bắt đầu thể hiện với một số hoạt chất và mức độ kháng tăng nhanh.

“Tôi luôn tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong phòng trừ dịch hại. Bản thân tôi thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ ruộng lúa, khi phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép thì tiến hành phun những loại thuốc trừ rầy có những hoạt chất được khuyến cáo như: dinotefuran, pymetrozine, buprofezine, thiamethoxam... Khi phun thuốc, tôi tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” nhưng tỷ lệ rầy chết có khuynh hướng giảm, hiệu quả diệt rầy không cao như trước đây”- nông dân Lê Văn Minh (xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn) băn khoăn.

 Nỗi lo của ông Minh trùng khớp với nghiên cứu của các nhà khoa học về tính kháng thuốc ngày càng cao của rầy. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một số loại thuốc BVTV chẳng những hiệu quả trừ rầy giảm, mà còn tiêu diệt thiên địch và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, rầy nâu bị xem là vật môi giới truyền bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn trong canh tác lúa. Trước thực trạng này, Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Tiền Giang đã tiến hành nghiên cứu quy trình quản lý rầy trên lúa bằng cách kết hợp các biện pháp kiểm tra mật số rầy, áp dụng công nghệ sinh thái bảo vệ thiên địch kết hợp với sử dụng sản phẩm Pexena 106SC (do Công ty Corteva Agriscience Việt Nam sản xuất, được Tập đoàn Lộc Trời phân phối) trong phòng trừ rầy hại lúa.

Việc nghiên cứu tiến hành song song trong phòng lab thí nghiệm và trên thực tế đồng ruộng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản phẩm Pexena 106SC sử dụng hoạt chất hoàn toàn mới, được đánh giá là giải pháp tiên tiến nhất hiện nay trong phòng trừ rầy, vừa đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường. Sản phẩm được thử nghiệm quản lý tính kháng của rầy, chứng minh được hiệu quả diệt rầy cao, hiệu lực kéo dài trong phòng trừ rầy, kể cả rầy đã có biểu hiện tính kháng. Đây được xem là giải pháp đóng góp vào quy trình toàn diện trong việc quản lý rầy trên lúa thời điểm hiện nay, góp phần hạn chế bùng phát dịch rầy cũng như lây truyền các bệnh hại nguy hiểm khác.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN