Giải quyết khó khăn tức thời nhờ bảo hiểm thất nghiệp

08/06/2018 - 07:28

Đó là khẳng định của người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay, một khi họ bất ngờ bị mất việc, thất nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, NLĐ (có tham gia bảo hiểm thất nghiệp) sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm miễn phí…

Họa vô đơn chí

“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế cả nước nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp thì có rất nhiều lý do để NLĐ bị mất việc. 5 năm trước đây, trên địa bàn tỉnh, hàng loạt công ty chế biến thủy sản bị thua lỗ, doanh nghiệp (DN) tiến hành cơ cấu lại sản xuất, tình trạng dôi dư về con người đã xảy ra, nhiều NLĐ “bỗng dưng” bị mất việc làm. Một số công ty làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản, lúc đó NLĐ bị buộc phải chấm dứt hợp đồng LĐ, đi tìm việc mới ở một DN khác…”- Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Võ Quang Tân chia sẻ.

Người lao động làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người lao động làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp

Em Trần Ngọc Phương (ấp Bằng Rò, xã Châu Lăng, Tri Tôn) có 8 năm làm công nhân chế biến hạt điều cho Công ty TNHH SXTMDV Nông Gia II (xã Châu Lăng, Tri Tôn). Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, công ty làm thủ tục giải thể, số LĐ làm việc trong nhà máy được khuyến khích tìm việc làm mới, Phương bỗng nhiên bị mất việc, từ đó đến nay gia đình lâm vào cảnh khó khăn. “Công ty giải thể, em rất hoang mang, bởi hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, 8 năm qua cả gia đình sống nhờ đồng lương của em, vì vậy khi nghe công ty giải thể, em suy sụp tinh thần, làm việc hết nổi…”- Phương tâm sự.

Không chỉ có Phương, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có hàng chục ngàn NLĐ bị mất việc, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới để mưu sinh, nuôi sống gia đình, trong đó công nhân của các nhà máy chế biến thủy sản là phần đông. “Em làm ở công ty TNHH SX TMDV Thuận An hơn 7 năm, bỗng dưng chủ DN bỏ trốn, dẫn đến sản xuất của nhà máy cầm chừng, tiền lương, tiền thu nhập rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, tụi em phải tìm nơi khác để làm. Giai đoạn tìm việc mới rất vất vả, nhờ có chính sách trợ cấp thấp nghiệp đã giúp cho tụi em giảm bớt khó khăn”- em Nguyễn Thị Bé Tám (xã Bình Hòa, Châu Thành) chia sẻ.

Nhà nước hỗ trợ

8 năm thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ, quỹ “BHTN” tỉnh đã chi trả hàng trăm tỷ đồng cho NLĐ tại địa phương, giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn tức thời. Quỹ thật sự là “cái phao” để người bị thất nghiệp vịn vào, từ đó tìm cách ổn định cuộc sống. Ông Võ Quang Tân cho biết, trong năm 2017 NLĐ đến trung tâm nộp hồ sơ, đề nghị được hưởng trợ cấp thấp nghiệp là 12.276 người với số tiền chi trả trợ cấp trên 121 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2018, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.674 người. Những người đến trung tâm nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, đa phần đều được giải quyết thấu tình, đạt lý. “Cái được của chính sách trợ cấp thất nghiệp là đứng về phía DN, người chủ sử dụng LĐ không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ.

Về phía NLĐ, được Nhà nước hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tìm việc làm mới; được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm miễn phí, được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian chưa tìm được việc làm…”- ông Tân chia sẻ. “Chính sách trợ cấp thất nghiệp đã giúp cho NLĐ vượt qua khó khăn khi họ bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Nhờ vào sự hỗ trợ này mà con tôi đã tìm được việc làm mới ở một công ty trong tỉnh, cuộc sống gia đình đã trở lại bình thường…”- bà Võ Thị Kiều (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Hiện nay, để giải quyết kịp thời số trường hợp nộp hồ sơ xin được hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức 5 điểm tiếp nhận hồ sơ tại: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Chợ Mới và Tri Tôn. Tại đây, NLĐ ngoài việc được hưởng các chính sách theo quy định còn được trung tâm mời tham gia buổi kết nối giữa DN và NLĐ (được tổ chức vào ngày 10 hàng tháng) để tìm được việc làm mới, góp phần ổn định cuộc sống.

“BHTN ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-1-2009. Trải qua 8 năm thực hiện đã giúp nhiều NLĐ vượt qua khó khăn, thể hiện tính nhân văn của chế độ ta, luôn tập trung chăm lo cho NLĐ. Quá trình thực thi chính sách này, còn nhiều cái chưa phù hợp, cụ thể số tiền hỗ trợ cho mỗi LĐ bị thất nghiệp còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, học phí hỗ trợ học nghề mỗi tháng, cao nhất chỉ 1 triệu đồng là thấp, trong khi nhiều ngành, nghề có mức học phí rất cao, vì vậy chúng tôi kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết phù hợp hơn…” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phạm Văn Phước kiến nghị

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích