Giải quyết vụ đình công tại Công ty TNHH May mặc Lu An

10/03/2019 - 17:39

 - Sáng 10-3, đoàn công tác tỉnh, gồm: Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động và UBND huyện Châu Thành đã làm việc với Ban Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lu An, để bàn giải pháp giải quyết vụ việc đình công của công nhân xảy ra ngày 9-3.

Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh và Ban Giám đốc Công ty TNHH Lu An 

Theo báo cáo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, khoảng 8 giờ, ngày 9-3, tại Công ty TNHH May mặc Lu An (Khu công nghiệp Bình Hòa) có hơn 800 công nhân đình công, 700 công nhân khác ở lại xưởng, nhưng không làm việc. Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã đến hỗ trợ, ổn định tình hình và tổ chức đối thoại với người lao động. Công nhân đã có nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề về môi trường làm việc và việc tăng định mức sản xuất.

Theo đó, công nhân phản ứng việc công ty không tặng quà cho công nhân nữ ngày 8-3; bị trừ tiền khi nghe điện thoại, đi vệ sinh, nghỉ đột xuất; bất cập lương giữa lao động thâm niên và lao động mới; việc tháo gương trong nhà vệ sinh gây bất tiện cho phụ nữ; đi vệ sinh và uống nước chỉ 5 phút, quá thời gian, thì bị trừ tiền thành tích; công nhân ưu tú nhận lãnh 300.000 đồng, nhưng thực lãnh chỉ 200.000 đồng và đề nghị tăng thêm mức hỗ trợ bữa ăn giữa ca…

Qua buổi đối thoại, Ban Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lu An đã giải thích một số nội dung cho công nhân được rõ theo quy định của công ty và pháp luật. Trong đó, công ty đã thực hiện đúng về chế độ tiền thưởng vào các ngày lễ, Tết và cho đến nay chưa trừ tiền do vi phạm thời gian uống nước hay đi vệ sinh quá giờ. 

Về việc không tặng quà cho công nhân nữ dịp 8-3 là thực hiện theo kế hoạch của Công đoàn cơ sở công ty, chỉ chi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10. Công ty cũng đã mời các chuyền truyền sản xuất cử đại diện, cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Các khu công nghiệp trao đổi cụ thể các vấn đề liên quan để xem xét phù hợp thực tế. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, công nhân vào xưởng, nhưng tiếp tục có ý kiến.Đến đầu giờ chiều, các công nhân tự ý ra về dù công ty đã yêu cầu ở lại vào ca, chuyền sản xuất làm việc.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác các sở, ngành tỉnh vào sáng 10-3, Ban Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lu An đã giải trình rõ từng nội dung, đồng thời tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp để tiếp tục xem xét lại một số phản ánh từ công nhân. Cụ thể, với những phản ánh mang tính chung chung, như thái độ của một số quản lý người Trung Quốc đối với công nhân chưa tốt, công ty khẳng định sự việc này không có, vì công ty có quy định rõ quản lý không được quyền la rầy, chửi mắng công nhân. Nếu có sự việc trên, công ty sẽ xác minh lại để xử lý.

Việc nghỉ phép qua điện thoại, công ty sẽ chấp thuận những trường hợp khẩn cấp và sau đó người lao động phải chứng minh được sự việc của mình. Về bất cập tiền lương giữa công nhân thâm niên và công nhân mới, theo ông Tần Đạt- Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lu An, tiền lương công nhân cũ luôn cao hơn công nhân mới 100.000 đồng, trong số công nhân cũ, bộ phận nào có năng suất vượt trội sẽ được tính thêm phần thưởng. Sự bất cập theo phản ánh của công nhân, công ty sẽ xem lại và điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Lý giải mức hỗ trợ 12.000 đồng bữa ăn giữa ca hiện nay còn thấp, Ban Giám đốc công ty cho biết, do hoạt động sản xuất kinh doanh mới ở giai đoạn đầu, chưa có lời, tuy nhiên cũng sẽ nghiêm túc xem xét và nâng dần khi có điều kiện.

Riêng nội dung tăng định mức sản xuất dẫn đến sự việc đình công, theo ông Tần Đạt, suốt thời gian qua cho đến nay, công ty chỉ đưa ra chỉ tiêu, chứ chưa áp đặt bắt buộc và hình thức thưởng/phạt làm ảnh hưởng đến công nhân.

Công ty cũng tiếp thu đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, việc thay đổi định mức hay bất kỳ nội quy, quy định mới cần được thông báo cho người lao động, có sự thỏa thuận và thử nghiệm trong thời gian mới áp dụng thực hiện chính thức. Yêu cầu này dựa trên cơ sở pháp luật, điều kiện công ty, lao động, tay nghề… hợp lý mới thực hiện.

Liên quan đến sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Đỗ Thiệu Nghĩa nói rõ: việc theo dõi sản lượng thống kê theo giờ chỉ tính một số công đoạn nhất định, không áp dụng toàn bộ các công đoạn như công nhân ý kiến. Việc này cũng thực hiện trong trường hợp đặc biệt, khi tiến độ đều nhịp với nhau, nhà máy sẽ ngưng áp dụng. Đồng thời, chỉ tiêu cho mỗi đơn hàng, tùy theo mức độ đơn giản hoặc phức tạp sẽ có chỉ tiêu riêng. Tất cả những nội dung này sẽ được công ty soạn thảo văn bản giải đáp rõ với công nhân qua thông báo vào sáng mai (ngày 11-3). 
Công ty cũng sẽ xem xét đề nghị của các sở, ngành tỉnh về việc trả lương ngày làm việc thứ 7 (dù công nhân chỉ làm việc nửa ngày) để ổn định tình hình. Đồng thời, thống nhất với đề xuất của Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thiện Phú, sẽ có buổi làm việc giữa Công đoàn cơ sở công ty, Công đoàn Các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh và công nhân để giải thích rõ hơn những nội dung đã giải trình, tạo sự đồng thuận trong người lao động.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Minh Phong lưu ý, trong thời gian tới, công ty cần gắn kết hơn nữa với cơ quan quản lý nhà nước và công đoàn để ngăn ngừa kịp thời, xử lý vụ việc chưa rõ về pháp luật, hạn chế tối đa đình công, lãn công. Công ty cần tạo điều kiện cho công đoàn đến các tổ, chuyền để nắm kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tránh tình trạng tương tự xảy ra. 

Hiện, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đang tăng cường giám sát và phối hợp địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi, nắm tình hình diễn biến trong công nhân lao động trong Khu công nghiệp để giải đáp những thắc mắc của người lao động, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của Khu công nghiệp trên địa bàn.

MỸ HẠNH