Gian nan đòi thi hành bản án

21/11/2018 - 06:43

 - Gần 3 năm qua, bà Phan Thị Thêu (sinh năm 1957, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) gian nan đòi thi hành bản án có hiệu lực pháp luật. Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang nhờ bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà.

Theo bà Thêu, vợ, chồng người em trai (Phan Thanh Nhàn, sinh năm 1967) và Phạm Thị Hoa (sinh năm 1972, ngụ ấp Hòa Thành, xã Định Thành, Thoại Sơn) cần số tiền lớn làm vốn mua bán, nên đến nhà năn nỉ bà cho vay. Bà bán tài sản, gom số tiền dành dụm được đưa cho vợ, chồng Nhàn làm ăn.

Ngày 4-9-2013, hai bên làm hợp đồng vay số tiền 300 triệu đồng, lãi suất 1,2%/tháng, sau 2 năm sẽ kết thúc. Bà giao tiền, nhận lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của vợ, chồng Nhàn đứng tên (do UBND huyện Thoại Sơn cấp ngày 26-7-2013).

“Tôi tạm nhận giấy thế chấp, kể cả đưa ra mức lãi nhằm mục đích cảnh báo vợ, chồng Nhàn phải có ý thức trả nợ, tránh ỷ lại. Tôi còn tính toán, khi xong vụ việc, tôi trích ra một phần lãi để hỗ trợ cho cả hai. Tuy nhiên, trong quá trình vay, vợ, chồng Nhàn chỉ trả lãi trước sau 9 triệu đồng, rồi im lặng và né tránh.

Thấy vậy, tôi yêu cầu 2 em hoàn tiền lại nhưng họ không đồng ý, buộc tôi phải khởi kiện ra tòa án nhờ xem xét giải quyết. Ngày 7-1-2016, Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn đưa vụ việc ra xét xử. Kết quả, buộc vợ, chồng Nhàn, Hoa trả cho tôi 385 triệu đồng. Sau đó, tôi yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Thoại Sơn thi hành bản án. Nhiều lần thương thảo, hòa giải, tìm cách giải quyết, nhưng vụ việc vẫn không thành.

Tôi liên tục “gõ cửa” các cơ quan chức năng, cuối cùng họ yêu cầu đưa tài sản thi hành án ra đấu giá. Năm 2017, qua 3 lần đấu giá không người mua, dù mức giá đã giảm gần 30% so với giá khởi bán tài sản. Tôi đã làm đơn mua tài sản và xin được khấu trừ, vẫn không được xem xét chấp nhận. Tôi tiếp tục khiếu nại nhưng cơ quan nào cũng nói “chờ xem xét” và đùn đẩy nhau, đưa tôi vào cảnh khốn khó” - bà Thêu bức xúc.

Gian nan đòi thi hành bản án

Bà Phan Thị Thêu

Đối với phản ánh của chị mình, ông Phan Thanh Nhàn phản hồi: “Năm 2013, vợ, chồng tôi vay 300 triệu đồng của chị Thêu, làm hợp đồng vay đàng hoàng. Nhưng do làm ăn thất bại nên chúng tôi không trả được tiền lãi và gốc như thỏa thuận. Vụ việc đã đưa ra tòa án giải quyết và bản án có hiệu lực pháp luật hơn 2 năm qua.

Cơ quan THADS huyện Thoại Sơn nhiều lần gửi thông báo việc thi hành án, kê biên tài sản để thực hiện bản án. Tôi đã ký tên giao tài sản là căn nhà gắn liền đất, nhưng vợ tôi đòi trả “nhỏ giọt”, cương quyết không ký tên. Do không thuyết phục được vợ nên chúng tôi xảy ra lục đục, bất hòa. Cuối cùng, tôi ra khỏi nhà đi mưu sinh, quyết định ly thân với vợ. Vụ việc coi như tôi đã làm xong trách nhiệm, phần còn lại cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Chi cục THADS huyện Thoại Sơn cho biết: “Để thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, đơn vị đã phân công chấp hành viên tống đạt quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án của người bị thi hành án và đối tượng có liên quan. Chúng tôi đang thực hiện các bước theo quy định.

Sắp tới, nếu đương sự tiếp tục không thi hành án, chúng tôi sẽ trình, đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo THADS huyện để ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Sau khi có kết quả, Chi cục THADS huyện sẽ tiếp tục thi hành án theo quy định của pháp luật, không có việc tắc trách”.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) nhận định: “Người được thi hành án chưa được thi hành án do phía phải thi hành án tìm đủ cách kéo dài, không chịu giao tài sản, thậm chí chống đối… là một trong nhiều cái vướng làm chậm việc thi hành án thường gặp. Để giải quyết, ngoài việc chấp hành viên nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, thủ trưởng cơ quan THADS cần chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ thi hành nhiệm vụ được phân công. Với những vụ việc kéo dài, cơ quan THADS cần kịp thời phát hiện việc phức tạp để gỡ rối, có biện pháp cụ thể, kiến nghị, đề xuất cách giải quyết khả thi, bảo đảm quyền lợi cho người được thi hành án”.

Bài, ảnh: N.R