Gian nan đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim

15/11/2018 - 09:17

Truyện cổ tích, dân gian là tài nguyên phong phú cho điện ảnh nhưng để chuyển thể thành công không hề dễ dàng

Phim "Trạng Quỳnh" do Đức Thịnh đạo diễn đang trong giai đoạn hậu kỳ, quảng bá chờ ra rạp vào dịp Tết nguyên đán. Đây là phim mới nhất chuyển thể từ truyện dân gian trong kho tàng cổ tích, dân gian Việt Nam sau tác phẩm "Tấm Cám: Chuyện chưa kể". Mặc dù những dự án đưa truyện cổ tích, dân gian lên màn ảnh rộng đang dần nhiều lên nhưng đây là hành trình gian nan, không dễ thành công như các thể loại khác.

"Món ngon" bị ngó lơ

Với những phim thuộc thể loại hài hước ở xã hội hiện đại, một kịch bản duyên dáng, không sa đà hài nhảm, chi phí đầu tư tương đối là có thể tạo được sản phẩm tử tế. Tuy nhiên, những phim chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian muốn chinh phục khán giả buộc phải có nguồn kinh phí lớn bởi chi phí trang phục, bối cảnh, kỹ xảo không nhỏ. Theo nhiều người trong giới, đây là vấn đề khiến Việt Nam dù có cả kho tàng truyện cổ tích, dân gian cũng khó khiến nhà làm phim quan tâm đầu tư.

Sau thành công của "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" do Ngô Thanh Vân đồng sản xuất và đạo diễn, đạt doanh thu 66,5 tỉ đồng (vốn 22 tỉ đồng) khiến giới làm phim mở hướng khai thác "món ngon" bị ngó lơ lâu nay. Sau phim này, Ngô Thanh Vân hào hứng: "Tôi và ê-kíp có kế hoạch thực hiện cả một "vũ trụ cổ tích Việt Nam" với đề tài gắn liền những giá trị văn hóa truyền thống: "Thằng Bờm", "Thánh Gióng", "Thạch Sanh", "Sơn Tinh - Thủy Tinh" ...". Cô thông tin phim chuyển thể từ tác phẩm truyện tranh "Thần đồng đất Việt" sẽ ra rạp tập đầu vào quý II/2019. Ngô Thanh Vân cho biết thêm việc ngày càng nhiều nhà sản xuất đưa truyện cổ tích, dân gian lên màn ảnh rộng chứng tỏ mảnh đất này là màu mỡ với điện ảnh. Việc tăng cường khai thác những giá trị văn hóa của dân tộc là điều tốt so với việc mua bản quyền làm lại phim từ các nước.

Phim "Trạng Quỳnh" sắp ra mắt cũng được kỳ vọng tiếp tục thắng doanh thu, giúp nhà sản xuất tự tin hơn với việc đưa truyện cổ tích, dân gian vào điện ảnh. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận định: "Như một quy luật, khi nguyên liệu sáng tạo cạn kiệt, đề tài khai thác trùng lắp, phim Việt hóa giảm sức hút thì nhà sản xuất quay về với kho báu văn hóa dân tộc là sự chọn lựa thông minh. Cổ tích, dân gian còn là chất liệu đặc sắc, tạo sự khác biệt của nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Tôi nghĩ chúng ta nên trân trọng và khích lệ nếu những phim chuyển thể từ cổ tích, dân gian được khai thác nhiều nhưng chỉn chu, thận trọng và sáng tạo. Đó là điều đáng mừng khi một phim thương mại lại đính kèm nét văn hóa dân tộc, nhắc nhớ lại những điều quen thuộc từ xa xưa trong ký ức của mỗi người".

Tạo hình trong phim chuyển thể từ truyện dân gian “Trạng Quỳnh”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Sáng tạo phải thuyết phục

Nhiều người trong giới cho rằng lợi thế của phim chuyển thể từ cổ tích, dân gian là câu chuyện ai ai cũng từng nghe, biết rõ, có sẵn yếu tố tạo sự lan tỏa. Thêm vào đó, những câu chuyện này đều là truyền miệng trong dân gian, không bản quyền tác giả, nhiều dị bản nên được quyền sáng tạo thỏa sức, không theo khuôn mẫu định sẵn. Thậm chí, nhà làm phim cũng không cần quá lo lắng trang phục phải chính xác thời đại nào trong lịch sử mà chỉ cần bảo đảm tính thuần Việt, hợp với thời điểm được mô tả. Nhiều điều lợi nhưng khó khăn cũng không kém và đôi lúc một số khó khăn còn từ chính yếu tố thuận lợi tạo ra. "Chuyện làm phim dã sử, lịch sử, cổ trang ở Việt Nam khó gấp 10 lần so với các thể loại khác bởi chúng ta không có trường quay, phục trang và tư liệu cũng như nhiều yếu tố khác chẳng ai lưu trữ sẵn. Đoàn phim phải làm lại từ đầu và gần như toàn bộ. Vì thế, kinh phí sản xuất tăng là chuyện thường" - đạo diễn Đức Thịnh cho hay. Theo đạo diễn này, kinh phí thực hiện "Trạng Quỳnh" từ 20-22 tỉ đồng. Trước đó, phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" có kinh phí sản xuất 22 tỉ đồng. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng thổ lộ chi đến 2 tỉ đồng chăm chút cho trang phục trong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" nhưng khi ra mắt vẫn bị không ít khán giả chỉ trích. Họ cho rằng trang phục cách tân quá đà, không phù hợp với các triều đại phong kiến Việt Nam dù bản thân câu chuyện không xác định rõ thời đại nào.

Một cái khó khác được xác định khi đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim là kỹ xảo. Kỹ xảo đòi hỏi phải đẹp, hợp lý và chân thật nếu không muốn gặp phản ứng ngược vì đầu tư không tới. Nhưng trên tất cả, một kịch bản tốt, sáng tạo, giữ được hồn của cốt truyện, mang thông điệp nhân văn vẫn được coi trọng nhất. Theo nhà báo Cát Vũ, nếu đưa truyện cổ tích, dân gian lên phim mà bê nguyên câu chuyện ai cũng biết thì không hấp dẫn, còn sáng tạo đến mất hết nội dung, ý nghĩa lại không nên. Việc sáng tạo, hư cấu cần thiết nhưng vẫn giữ được hồn của câu chuyện, thuyết phục khán giả và điều này phải nhờ vào tài của biên kịch, đạo diễn cũng như tâm huyết của cả đoàn phim. Đưa văn hóa Việt lên màn ảnh rộng, tôn vinh những giá trị truyền thống là điều cần ủng hộ, khích lệ. 

Nhiều phim cổ tích, thần thoại thành công

Thế giới đã có vô số tác phẩm chuyển thể từ cổ tích, thần thoại thành công rực rỡ với phần kịch bản sáng tạo thoải mái. Những phim này đa phần đều đạt doanh thu cao, không thua kém bất kỳ tác phẩm thể loại siêu anh hùng hoặc chủ đề đang thu hút nào. Trong đó, phim "Alice ở xứ sở thần tiên", sản xuất năm 2010, đạt doanh thu 1 tỉ USD; phim "Tiên hắc ám" lấy cảm hứng từ truyện "Người đẹp ngủ trong rừng" doanh thu gần 800 triệu USD; phim "Lọ Lem" đạt doanh thu 500 triệu USD; phim "Cậu bé rừng xanh" đạt 1 tỉ USD; phim "Người đẹp và quái vật" đạt doanh thu gần 1,3 tỉ USD.

Điện ảnh Việt Nam cũng có nhiều bộ phim đề tài này từng thành công, trong đó thành công nhất là phim "Phạm Công - Cúc Hoa" của đạo diễn Lưu Bạch Đàn.

Theo MINH KHUÊ (Người Lao Động)

 

Liên kết hữu ích