Gian nan đường đến trường...

10/10/2019 - 08:17

 - Dù sinh ra trong gia cảnh khó khăn, bị số phận “trêu đùa” lâm phải bệnh tật ngặt nghèo, nhưng khát khao đến trường là động lực, sức mạnh giúp những em học sinh có hoàn cảnh kém may mắn vượt qua nghịch cảnh.

Gian nan đường đến trường...

Em Ngọc Hiển nhận quà của Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên

Gian nan đường đến trường...

Em Gia Thịnh bên cạnh ba mẹ và em gái trong căn nhà trọ

Đó là hoàn cảnh của em Lê Ngọc Hiển (học sinh lớp 8, Trường THCS và THPT Mỹ Hòa Hưng, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Năm lên 3 tuổi, sau cơn sốt bại liệt em bị teo chân trái, dù đi được nhưng bước chân khập khiễng, khó khăn. Không dừng lại ở đó, lúc này ba mẹ em “đường ai nấy đi” để em cho ông bà nội chăm sóc. Mỗi người giờ đã có cuộc sống riêng và dường như đã quên rằng, có một người con trai nhỏ đang “tuổi ăn, tuổi lớn” đang bị bệnh tật. Là hộ cận nghèo, để có tiền nuôi nấng và lo cho Hiển được đến trường, bà nội em phải đi bán vé số, ông nội làm thuê lại nuôi mẹ già tai biến liệt cả người. Nhận thức được cuộc sống khó khăn, sự vất vả của ông bà nội, Hiển đã đi bán đậu phộng, trứng cút có thêm tiền để tự trang trải việc học và phụ giúp ông bà.    

Mặc dù buổi tối phải đi bán có khi đến 21 giờ đêm, nhưng Hiển luôn đạt thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền. Cứ thế, sau mỗi buổi học, em tranh thủ thay đồ và đi bán. “Để bán được nhanh, em thường chọn địa điểm là các quán ăn, quán nhậu ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên). Được các cô, chú thương tình nên mua ủng hộ khá nhiệt tình. Nhưng đôi khi trời mưa gió, việc bán gặp khó khăn hơn. Lúc hè, em có nhiều thời gian để đi bán hơn. Ông bà nội đã lớn tuổi mà còn vất vả lo lắng gia đình, em thương lắm!” - em Hiển cho biết. Chuẩn bị cho năm học mới, Hiển khoe đã có tập được lãnh thưởng, cặp và quần áo dù đã cũ nhưng vẫn còn sử dụng được nên tận dụng. Với nụ cười rạng rỡ, vừa nói vừa chỉ từng vật dụng đến trường, chúng tôi không khỏi chạnh lòng cho hoàn cảnh của cậu bé ấy. 

“Đã nghèo lại còn mắc cái eo”, hoàn cảnh ấy là của bé Kim Lâm Gia Thịnh (8 tuổi, học sinh lớp 2D, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Hòa Hưng). Em bị bệnh Thalassaemia (thiếu máu). Theo bác sĩ điều trị thì mỗi tháng Thịnh phải vô máu mới duy trì được sự sống. Chị Lâm Thị Cẩm Hương (29 tuổi, mẹ bé Gia Thịnh) bày tỏ: “Từ lúc sinh đến lớn, thấy con da vẻ xanh xao hơn bạn cùng trang lứa, nhưng vẫn sinh hoạt và chơi giỡn bình thường nên vợ chồng tôi không đưa con đi khám bệnh. Đến khi con vào lớp 1, thấy da bé càng ngày càng vàng, hay mệt và sốt cao, đưa con đi Bệnh viện Sản - Nhi An Giang khám thì mới biết bị thiếu máu bẩm sinh, phải truyền máu mỗi tháng để duy trì sự sống. Vợ chồng tôi đều làm thuê kiếm sống, lương “èo ọt” lại đang ở nhà thuê (ấp Mỹ An 1), cũng không phải người địa phương (quê ở Sóc Trăng) nên khi nghe đến bệnh tình của con thấy rất hoang mang, lo lắng. Nhìn gương mặt và đôi mắt con ngày càng hốc hác, tôi đau lòng lắm!”. 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực Hồ Thị Giàu cho biết: “Em Gia Thịnh là học sinh rất chăm ngoan và rất cố gắng trong học tập. Dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng em vẫn đến lớp rất đều (trừ những khi bệnh hành, sốt không đi được). Là cậu bé hòa đồng và năng động nên Gia Thịnh được nhiều bạn bè quý mến. Hay tin bệnh tình của em, nhà trường rất lo lắng và luôn tìm cách hỗ trợ cho em trong quá trình học như: hỗ trợ cặp sách, quần áo... từ các nhà hảo tâm. Bấy nhiêu vẫn chưa đủ để Gia Thịnh được khỏe mạnh đến lớp như bạn. Hy vọng được sự chung tay của những nhà hảo tâm để em được đến trường một cách vui khỏe!”. 

Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên cũng rất quan tâm đến trường hợp của 2 em Gia Thịnh và Ngọc Hiển. Hiện, hội đã nhận đỡ đầu bé Gia Thịnh và hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng để truyền máu. Còn với em Lê Ngọc Hiển, hội đã đưa vào danh sách những hộ được hỗ trợ gạo hàng tháng, đồng thời “Tiếp bước đến trường” số tiền 1,5 triệu đồng cho em nhân dịp đầu năm học 2019-2020. 

Dẫu đường đến trường của Thịnh và Hiển có muôn vàn khó khăn nhưng bên cạnh các em vẫn đầy ấp tình thương và sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng. Để rồi, trên hành trình xây dựng tương lai ấy luôn có những kỷ niệm đẹp về lòng biết ơn và nỗ lực “vượt lên chính mình”. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN