Gian nan đường đến trường của học sinh vùng lũ

17/09/2018 - 07:33

 - Mùa lũ về, nước ngập nhiều nơi khiến đời sống bà con vùng đầu nguồn An Phú càng khó khăn gấp bội. Đáng thương nhất là học sinh (HS) vùng lũ đến trường lắm gian nan do cách trở đò giang, đường sá lầy lội, ngập sâu.

Đi học bằng đò

Tờ mờ sáng, bến đò ngang nối liền xã Khánh An - Pẹc-Chạy (huyện Kohthum, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) bắt đầu nhộn nhịp. Từng tốp HS với cặp xách trên vai, khăn quàng đỏ thắm trên cổ áo lần lượt xuống phà qua sông để về quê học chữ. Ở đây, không còn cảnh đò nhỏ qua sông như trước, mà được thay thế bằng phà để đảm bảo an toàn hoạt động vận chuyển hành khách qua sông. Năm nay lũ lớn, nước sông cuồn cuộn chảy, những chuyến phà vững chải càng thêm yên tâm cho phụ huynh. Năm học mới bắt đầu cũng là lúc mùa lũ đang vào cao điểm. Trước đó nhiều tuần, UBND huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo rà soát, nắm thông tin từng trường hợp cụ thể để vận động HS ra lớp, kịp thời hỗ trợ HS khó khăn và thống kê số HS có nhu cầu đưa, rước hàng ngày...

Trường Tiểu học “A” và “B” Khánh An là 2 trường có đông HS đi học hàng ngày bằng đò ngang, với số lượng lần lượt là 329 HS và 257 HS. Đây cũng là 2 trường có HS Việt kiều Campuchia về quê học đông nhất huyện An Phú (Trường Tiểu học “A” Khánh An có 304 HS, Tiểu học “B” có 244 HS). Năm học này, tuy nước lũ lớn ảnh hưởng đến việc đi học của HS nhưng trường thực hiện tốt công tác huy động HS ra lớp. Tại Trường Tiểu học “A” Khánh An có 32 lớp từ khối 1 đến khối 5, với 1.062 HS (đạt 103% kế hoạch), còn Trường Tiểu học “B” Khánh An có 22 lớp, với 704 HS (đạt 105,7% kế hoạch).

Huyện An Phú đã duy trì tốt việc đưa, rước học sinh đến trường hàng ngày để đảm bảo an toàn. Ảnh: HỮU HUYNH     

Chuyện các em trở về quê hương học chữ không còn xa lạ với người dân đầu nguồn An Phú, bởi bên Pẹc-Chạy trường học cách xa nhà, việc đi lại vào mùa lũ rất khó khăn, nhiều em phải theo cha, mẹ mưu sinh từ nhỏ… nên không thể đến trường. Để đến với “con chữ”, các em phải lặn lội trở về quê học tập. Xã Pẹc-Chạy có khoảng 2.000 hộ, với hơn 10.000 người Việt định cư. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đa số bà con vẫn muốn con, em học tiếng mẹ đẻ nên đưa con, em sang An Phú học chữ. Sông Bình Di rộng chừng 200m như ngắn lại, trở thành dấu gạch nối trong hành trình đi tìm tri thức của các em.  

Tập trung chăm lo

Tuy gặp nhiều khó khăn do xảy ra lũ lớn, gây ngập nhiều nơi, nhưng huyện An Phú đã nỗ lực thực hiện tốt công tác huy động HS ra lớp. Đến nay, tất cả 62 điểm trường trên địa bàn huyện đã ổn định bước vào năm học mới. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú Thái Kim Khải cho biết: nhà trẻ huy động 200 cháu, mẫu giáo 4.700 cháu, mẫu giáo 5 tuổi 3.090 cháu (đạt 96,3%); tiểu học 18.040 HS (đạt 101,35%), THCS 10.333 (đạt 100,01% kế hoạch).

Toàn huyện An Phú có 666 HS là người dân tộc, 1.085 HS là HS Việt kiều Campuchia, 1.975 HS đi đò ngang đến trường hàng ngày (nhiều nhất là bậc THCS với 1.186 HS) và có gần 300 HS được cha, mẹ tự đưa rước qua sông hàng ngày. Toàn huyện đã bố trí 5 điểm giữ gần 300 trẻ ở các xã: Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Vĩnh Trường (dự kiến sẽ tổ chức 35 điểm giữ trên 1.094 trẻ khi nước lên cao) và tổ chức 10 điểm đưa, rước hơn 1.000 HS đến trường an toàn hàng ngày.

Trong chuyến khảo sát công tác phòng, chống lũ và kiểm tra việc chuẩn bị năm học mới tại huyện An Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương huyện thực hiện tốt việc huy động HS đầu năm học. Huyện đã chủ động rà soát, nắm thông tin từng trường hợp cụ thể để vận động HS ra lớp, kịp thời hỗ trợ HS khó khăn và thống kê số HS có nhu cầu đưa, rước hàng ngày. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn; thống kê số HS (nhất là HS Việt kiều Campuchia) chưa có đủ áo phao khi qua đò, phà để có hướng hỗ trợ tiếp tục… Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo hoạt động dạy và học. Tăng cường rà soát để kịp thời giúp đỡ, không để các em bỏ học do nghèo khó và đảm bảo điều kiện sống cho giáo viên.

“Bến đò Khánh An - Pẹc-Chạy hoạt động bằng phà lớn nên an toàn. Nhưng hiện một số phụ huynh đang đưa con bằng xuồng nhỏ qua sông rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức đảm bảo an toàn tính mạng, vì nước lũ đang chảy xiết rất nguy hiểm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, kịp thời nắm bắt để hỗ trợ những trường hợp khó khăn, không để các cháu bỏ học giữa chừng do điều kiện đến trường khó khăn, nghèo khó. Trường Tiểu học “A” Khánh An có số HS khá đông (đứng thứ 2 toàn huyện) hiện đang xuống cấp, UBND huyện nhanh chóng đề xuất phương án nâng cấp để đảm bảo hoạt động dạy và học” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo

 

HỮU HUYNH