Giáo dục thể chất theo hướng “mở”

18/04/2019 - 07:45

 - Không chỉ bị xem là môn phụ, ít được quan tâm, môn giáo dục thể chất trong trường học còn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh khi phải học suốt những phân môn nhàm chán và vượt ngoài khả năng. Khắc phục tình trạng này, một số trường trung học phổ thông (THPT) đã áp dụng dạy và học môn thể dục tự chọn, đem lại giờ học hứng khởi cho học sinh, tạo niềm yêu thích để các em rèn luyện sức khỏe mọi lúc, mọi nơi.

Nhiều bạn đã và đang học THPT chia sẻ về áp lực trong giờ học thể dục như: “Mình sợ nhất môn nhảy cao, chạy đến gần sào tre là cầm luôn cây tre chạy, sau này giáo viên thay sào tre bằng sợi dây thun, thế nhưng chạy đến gần vẫn… né”. “Mình học khá hết các môn, chỉ bị “liệt” bởi điểm số môn thể dục “kéo lại” vì có một số bài không thể thực hiện được”. “Suốt 3 năm học phổ thông, năm nào cũng chừng ấy bài, nhảy cao, nhảy xa, chạy điền kinh, chạy tiếp sức… Học các môn văn hóa cỡ nào cũng không ngán bằng thể dục”. Những tâm sự kể lại cho vui nhưng rất thật, khi với nhiều học sinh, tiết thể dục không khác gì nỗi ám ảnh. Môn học thiết thực để rèn luyện sức khỏe đã biến thành trở ngại, bởi người học gặp phải những khó khăn khách quan về thể chất, sở thích, sở trường…

Từ những năm học trước, các trường THPT trên địa bàn huyện Phú Tân đã áp dụng dạy thể dục tự chọn. Trường THPT Nguyễn Chí Thanh lồng ghép dạy các phân môn: bóng chuyền, cầu lông, nhịp điệu, võ cổ truyển... đến nay vẫn duy trì hiệu quả. Một số trường THPT còn lại như: Trường THPT Hòa Lạc, THPT Bình Thạnh Đông, Trường THCS và THPT Phú Tân tùy theo điều kiện đã dạy và học môn thể dục tự chọn, phát huy năng khiếu và sự yêu thích môn học trong học sinh. Tại Trường THPT Chu Văn An, tuy chỉ mới áp dụng, nhưng mô hình giảng dạy, học tập kiểu mới này khiến học sinh rất thích thú. Nếu những năm học trước, học sinh phải tuân thủ theo chương trình dạy thể dục đúng với trình tự, giáo trình đã quy định, thì nay khoảng 1.300 học sinh thuộc các khối lớp của trường được “quyền” đăng ký chọn học các môn thể thao yêu thích, gồm: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá và thể dục nhịp điệu.

Giờ học bóng chuyền và cầu lông hào hứng ở Trường THPT Chu Văn An

Thầy Nguyễn Tấn Lợi, Tổ trưởng môn Thể dục quốc phòng và giáo dục thể chất cho biết, so với chương trình cũ, thời lượng tối đa mỗi nội dung chỉ có 10 tiết. Với môn tự chọn, các em sẽ học suốt cả năm học và cấp học. Hơn nữa, học sinh có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật, tập luyện hàng ngày ở nhà để rèn luyện sức khỏe và nâng cao kỹ năng. Mỗi tuần, theo phân môn tự chọn, các em học sinh khối 10 và 11 được học cố định thứ 3 và thứ 4; học sinh khối 12 học thứ 2 và thứ 5, với thời gian 120 phút, trong đó môn cầu lông là phân môn được các em chọn lựa nhiều nhất. Kết hợp với môn học tự chọn, mỗi buổi học giáo viên thể dục dạy thêm môn võ cổ truyền, bi sắt để tăng thêm sự hứng khởi cho học sinh.

Em Lê Gia Phú (học sinh lớp 11C3) chia sẻ: “Trước đây, học thể dục theo chương trình bắt buộc, vì không hợp sở thích nên em có tâm lý chán, ít tham gia học. Còn hiện nay, được trường cho tự chọn môn thể thao yêu thích, em đăng ký học môn cầu lông- vốn là sở thích nhiều năm nay”. Em Nguyễn Phúc Hạnh Phúc (học sinh lớp 11C11) giãi bày: “Em thích âm nhạc và muốn học môn thể dục nhịp điệu. Đến nay được chọn môn yêu thích nên em đi học rất tích cực. Đa số các bạn trong lớp thích thú vì được học các phân môn đúng sở trường. Em mong trường tiếp tục duy trì hình thức dạy này”.

Theo thầy Nguyễn Tấn Lợi, từ thời điểm dạy học thể dục tự chọn, điều dễ nhận thấy nhất là các em thích học hơn trước, chất lượng môn giáo dục thể chất ngày càng tăng. Hiện, thầy và trò đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong việc thuê cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ của tư nhân luyện tập theo từng môn. Đáp ứng đúng nguyện vọng người học và kích thích tinh thần rèn luyện thể chất của các em, nhà trường còn có điều kiện phát hiện những năng khiếu thể thao, quyết tâm thực hiện hiệu quả việc triển khai mô hình giáo dục thể chất mới, góp phần nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy toàn diện của trường.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích