Giáo sư Carlyle A.Thayer: Việt Nam, Australia có mối quan tâm và quan điểm chung trong nhiều vấn đề

26/02/2018 - 14:15

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia (26-2-1973 – 26-2-2018), Giáo sư danh dự Carlyle A.Thayer, Đại học New South Wales, Canberra thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã có bài viết riêng cho TTXVN nhấn mạnh những bước ngoặt chính trong quan hệ hai nước cùng những mối quan tâm, quan điểm chung trong nhiều vấn đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khi Thủ tướng Australia sang dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng sáng 10-11-2017. Ảnh: TTXVN

Trong bài viết, Giáo sư Carlyle A.Thayer cho biết Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 sau khi các cuộc đàm phán ở Paris kết thúc, dẫn đến Hiệp định chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam. Quan hệ song phương từ đó phát triển liên tục với hai bước ngoặt lớn. Theo Giáo sư, bước ngoặt lớn đầu tiên đạt được vào năm 2009 trong chuyến thăm Australia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với việc ký tuyên bố chung nâng quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện, dựa trên 6 lĩnh vực hợp tác chính: quan hệ chính trị và trao đổi chính sách công; quan hệ kinh tế và thương mại; hỗ trợ phát triển và hợp tác công nghệ; quan hệ quốc phòng và an ninh; hỗ trợ liên kết người dân với người dân; và các vấn đề khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ Đối tác toàn diện này được thực hiện thông qua Kế hoạch hành động 3 năm (2010-2013).
  
Bước ngoặt lớn thứ hai trong quan hệ song phương diễn ra vào tháng 3/2015 nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Tuyên bố về Tăng cường Đối tác toàn diện Việt Nam – Australia. Tuyên bố này xác định 5 lĩnh vực hợp tác chính: tăng cường quan hệ song phương; khu vực và quốc tế, tăng trưởng kinh tế và phát triển thương mại, công nghiệp; hỗ trợ phát triển; thúc đẩy các mối quan hệ quốc phòng, thực thi luật pháp và an ninh.
  
Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng điều quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện tăng cường nằm ở chỗ cả Australia và Việt Nam đều thừa nhận rằng có sự hội tụ ngày càng tăng những mối quan tâm và quan điểm giữa hai nước. Chẳng hạn, lời mở đầu Tuyên bố khẳng định: “Việt Nam và Australia đã xây dựng được mối quan hệ mạnh dựa trên cơ sở tôn trọng và quan tâm lẫn nhau. Mối quan hệ này góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực và thế giới.”
  
Cả Việt Nam và Australia có cùng mối quan tâm trong việc duy trì an ninh, ổn định và phát triển kinh tế của khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế. Cả hai đều nhất trí về tầm quan trọng của các thể chế đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
  
Việt Nam và Australia cũng có những quan điểm chung về tầm quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu lâu dài dựa trên tự do hóa thương mại và đầu tư. Chẳng hạn, cả hai nước đều tham gia nỗ lực đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Mỹ rút khỏi TPP, cả Việt Nam và Australia đều tham gia các cuộc đàm phán dẫn đến sự thành công cho Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP-11.
  
Một điều ít được chú ý là vào tháng 3/2015, thủ tướng Việt Nam và Australia đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước, trong đó với 4 trên 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cùng với Nhật Bản và Ấn Độ.
 
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, Đối tác chiến lược Australia-Việt Nam sẽ dẫn đến những cuộc trao đổi thường xuyên hơn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và phối hợp tốt hơn để đối phó với những thách thức về phát triển kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia, hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu.

Cả Việt Nam và Australia đều có chung quan điểm về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Cả hai đều nhất trí giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Cả hai đều đồng ý rằng ASEAN và Trung Quốc nên đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc. Cả Australia và Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Cả hai nước đều nhất trí về nhu cầu cấp bách về việc có được một COC.

Theo Giáo sư, không có một ví dụ hợp tác nào tốt hơn trong việc đóng góp cho an ninh và hòa bình toàn cầu như việc Việt Nam cam kết triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đối với Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan và Australia đề nghị được dùng máy bay vận tải Hercules của Không quân Hoàng gia Australia vận chuyển binh sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Giáo sư khẳng định đây là thời điểm chín muồi để hai nước nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia từ 14-15/3 tới để đánh dấu kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây sẽ là bước ngoặt lớn thứ ba trong mối quan hệ song phương Australia-Việt Nam.

Theo Báo Tin Tức