Giáo viên trực trường ngày hè: Cần không?

28/06/2018 - 15:16

Việc một giáo viên đang trực trường bị một nam thanh niên vào khống chế, cưỡng hiếp xảy ra vào cuối tuần qua khiến dư luận cảm thấy bất an.

Sự việc trên xảy ra tại một trường THCS ở thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Cô giáo N đang làm nhiệm vụ trực hè tại trường thì một nam thanh niên bịt mặt đi vào, chụp con dao trên bàn uy hiếp cô rồi thực hiện hành vi đồi bại. Sau đó, người này còn cướp hai điện thoại của cô N rồi bỏ đi.

Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có cần thiết yêu cầu giáo viên phải trực trường hay không? Nếu có thì phải có những giải pháp nào để bảo đảm an toàn cho người trực?

Trường trung học cơ sở Lê Thuyết, Thừa Thiên Huế nơi cô P.T.N.N bị hiếp dâm

Báo Pháp luật TP.HCM đã ghi nhận một số ý kiến của các giáo viên về vấn đề này.

Nên phân công 2 giáo viên trực một ca

Trường tôi, giáo viên không phải trực trường trong dịp hè. Việc trực là nhiệm vụ của nhân viên văn phòng và Ban giám hiệu. Ban giám hiệu trường có 3 người, thay phiên nhau ngày nào cũng có mặt ở trường để nắm bắt công việc. Mặt khác, trường có đến 3 bảo vệ thay phiên trực suốt 24/24 giờ. Chỉ riêng dịp Tết, giáo viên phải trực nhưng thường phân 2 người một ca trực để có gì còn hỗ trợ nhau.

Theo tôi được biết, các trường ngoại thành đều phân công 2 giáo viên trực một ngày, chỉ trực từ sáng tới chiều, buổi tối giao cho bảo vệ. Đặc biệt, các trường đều có điện thoại để ngay phòng giáo viên trực để có chuyện khẩn cấp thì liên hệ ngay với công an phường nhờ can thiệp kịp thời. Việc để giáo viên trực một mình trong một khuôn viên rộng lớn, vắng vẻ rất nguy hiểm. Đó là điều không nên chút nào.

Cô Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Phú Thọ, quận 11

Không nên để giáo viên trực trường

Việc để giáo viên trực trường trong hè là không cần thiết vì dịp hè bảo vệ, bộ phận văn phòng trường, Ban giám hiệu đã thay phiên nhau làm việc rồi. Việc sử dụng giáo viên trực trường là một sự phí phạm sức lao động, sử dụng lao động vào việc không cần thiết.

Nếu giáo viên vào trường làm hỗ trợ công tác tuyển sinh như chấm bài thi, ôn thi cho học sinh thì còn có thể. Đằng này, giáo viên phải đi trực trường thì không hợp tình hợp lý, việc này cần xóa bỏ.

Vì sao cô giáo bị khống chế, hiếp dâm, cướp của ngay trong trường mà không ai biết để giải cứu, khi đó, Ban giám hiệu, Bộ phận văn phòng của trường ở đâu?

Thầy Hoàng Long Trọng, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn trường THCS Văn Lang, quận 1

Giáo viên nên trực trường nhưng phải đảm bảo an toàn

Giáo viên nên trực trường vì ngoài công tác chuyên môn, mỗi người phải gắn bó với nhà trường để có trách nhiệm hơn với đơn vị mình công tác. Luật cán bộ công chức, viên chức quy định mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ cơ quan. Luật lao động cũng quy định như thế. Trong luật giáo dục chỉ ghi nhiệm vụ của giáo viên là giảng dạy nhưng giáo viên cũng là một người lao động nên thi hành Luật lao động là tất yếu.

Tôi đồng ý giáo viên phải trực trường nhưng việc phân công trực phải làm sao để không xảy ra những sự việc đáng tiếc. Nếu nhà trường không có điều kiện thuê bảo vệ thì ít nhất cũng phải 2 người cùng trực. Nếu không may xảy ra cháy nổ, một người làm sao xử lý được?

Mặt khác, giáo viên trực phải có lãnh đạo ở đó trực để có vấn đề gì còn giải quyết vì giáo viên có thể không đủ thẩm quyền.

Thầy Lý Đức Thanh, trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8

Hãy để giáo viên được nghỉ ngơi

Nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy chứ không phải canh trường. Bản thân một người phụ nữ càng khó làm tốt nhiệm vụ này. Hè là thời gian để giáo viên nghỉ ngơi, đó là quyền lợi họ cần được hưởng.

Ở trường tôi, trong dịp hè, giáo viên được nghỉ 2 tháng 6 và 7. Sang tháng 8, chúng tôi mới bắt đầu tới trường họp tổ chức các hoạt động để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Hè chỉ có những người nằm trong liên tịch trường mới trực như Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn, Bí thư. Mặt khác, tại trường luôn có 2 bảo vệ, mỗi bảo vệ trực suốt 24/24 giờ.

Cô Lê Ngọc Quỳnh Như, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11

Theo THỤC ĐOAN (Pháp luật TP. HCM)