Giết người vì “suy đoán”

05/11/2018 - 07:31

 - Ngày 16-7-2018, chị Tô Thị Diễm H. chờ chồng đi nhậu về. Đến tối, chị nhận tin chồng tử vong vì bị người lạ mặt hành hung. Ngày xét xử kẻ giết người, chị bần thần tham dự với vai trò “đại diện hợp pháp của người bị hại”. Sau lưng chị, bé Nguyễn Nhã K. (sinh năm 2012) ngây thơ ôm di ảnh của cha suốt phiên tòa.

Anh Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1988) sinh sống bằng nghề làm răng sứ. Con trai út của họ vừa chào đời đầu năm nay. Chiều 16-7, anh đi nhậu cùng Hồ Hoàng Phúc. “Hơn 21 giờ, Phúc chạy bộ về nhà tôi, dáng vẻ không còn tỉnh táo, hỏi gì đó, rồi lại chạy đi. Khoảng 15 phút sau, chủ quán ăn T.P (khóm Tây Khánh 4, phường Mỹ Hòa, cách nhà 300m) cho hay, anh Phong bị người ta đánh, máu chảy rất nhiều, không biết sống, chết ra sao. Nghe vậy, tôi hết biết trời đất gì. Vừa định dắt xe đi bệnh viện, cha, mẹ chồng tôi cho hay anh Phong đã mất” - chị H. kể lại, đôi mắt đỏ hoe. Phía sau, cha, mẹ chồng chị bật khóc. Nỗi đau mất người thân diễn ra quá đột ngột, khiến họ không thể nào chấp nhận được. Vì đâu nên nỗi?

Tuấn nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân

Câu hỏi này chính bị cáo chẳng thể trả lời được cho Hội đồng xét xử. Trần Văn Tuấn (sinh năm 1991, ngụ khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) bị xác định là người gây ra cái chết cho nạn nhân Phong. Tối 16-7, Tuấn cùng Nguyễn Thị Bích T. (sống chung như vợ, chồng, cùng làm thuê tại Bình Dương) đến nhà người quen tại khóm Tây Khánh 1 (phường Mỹ Hòa) nhậu. Tàn tiệc, Tuấn chở T. đến quán T.P để ăn hủ tiếu. Khi đó, trong quán chỉ có anh Phong và Phúc đang ngồi uống bia. “Bị cáo thấy cả 2 nói chuyện lớn tiếng, trên tay phải của một thanh niên (sau này biết tên là Phúc) quấn sợi dây nịt. Có lúc họ vừa nói chuyện, vừa nhìn sang bàn của bị cáo, nên bị cáo nghĩ rằng họ khiêu khích, kiếm chuyện. Đang say rượu, không kiềm chế được cơn nóng giận, bị cáo cầm tô hủ tiếu đến đập vào đầu Phúc. Phúc bỏ chạy, người thanh niên còn lại (sau này biết tên là Phong) đánh vào vai phải của bị cáo. Bị cáo lấy 2 vỏ chai bia đập vào nhau cho bể, rồi đâm thẳng vào người anh ta. Anh ta giơ tay lên đỡ nên bị cáo đâm thêm một cái, trúng vào vùng cổ bên trái” - Tuấn khai nhận.

Bị cáo cho rằng, sau khi xô xát, nạn nhân vẫn “bình thường”, nên Tuấn thuê taxi cùng T. đến TP. Rạch Giá (Kiên Giang) ngủ. Sáng hôm sau, nghe nói nạn nhân đã chết, lại được T. động viên nên Tuấn quay về, đầu thú tại Công an phường Mỹ Hòa. Ngày 23-7, Tuấn bị khởi tố điều tra. Khi ra tòa, trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, Tuấn lúng túng cho rằng “nghe họ nói chuyện rồi suy đoán họ sẽ đánh mình. Không muốn đánh họ, nhưng nóng giận quá, nhất là khi thấy Phúc rút dây nịt ra để trên bàn”.

Hồ Hoàng Phúc (người bạn nhậu may mắn thoát nạn) kể lại: “Tôi và anh Phong hoàn toàn không quen biết bị cáo. Lúc Tuấn vào quán, chúng tôi đang trò chuyện với nhau nên không hề để ý anh ta, không nói gì liên quan đến anh ta. Uống bia nhiều, bụng no căng, tôi rút dây nịt ra cho dễ thở. Bất ngờ,Tuấn đánh tôi từ phía sau. Tôi không còn tỉnh táo, bỏ chạy về nhà anh Phong, không chứng kiến sự việc sau đó”. Do thương tích không đáng kể, Phúc từ chối giám định thương tật và không yêu cầu xử lý hình sự đối với Tuấn.

Được sự đồng ý của Hội đồng xét xử, Tuấn quay xuống đối mặt với gia đình nạn nhân: “Con xin lỗi, con nóng vội làm chết anh Phong. Con rất ăn năn, mong cô, chú tha thứ!”. Chị H. im lặng quay mặt đi, cha, mẹ của nạn nhân cũng im lặng. Tha thứ cho bị cáo như thế nào, khi chỉ vì “suy đoán” vô căn cứ của anh ta, 1 mạng người đã lìa đời? Anh Phong mất đi, để lại 2 đứa con thơ dại, người vợ trẻ cùng nỗi đau chất chồng trong lòng người sống. Lời xin lỗi của bị cáo có thể nào giúp 2 đứa trẻ mồ côi cha lớn lên bình yên?

Cũng từ phiên tòa, tôi được biết hoàn cảnh của Tuấn. Cha, mẹ ly thân 15 năm, chị, em Tuấn sống với ba. Học đến lớp 7, Tuấn, lên Bình Dương làm thợ sơn. Đầu tháng 7, Tuấn và T. hẹn nhau về quê thăm gia đình, rồi xảy ra án mạng. Đến khi công an đến nhà hỏi chuyện, ông Trần Văn N. (cha Tuấn) mới hay con mình phạm tội tày trời. Chạy vạy được 30 triệu đồng, ông đem đến gửi cho gia đình nạn nhân, xin khất lại 20 triệu đồng (trong tổng số 50 triệu đồng tiền mai táng). Bà Trần Thị Lệ H. (mẹ Tuấn) buồn bã phân trần: “Con tôi  hồi đó giờ chỉ lo làm, đâu biết đánh nhau với ai...”. Giờ nghỉ giải lao đợi nghị án, bà đến bên cạnh, hỏi han Tuấn ít câu. Trò chuyện thì ít, khóc thì nhiều. Tuấn cúi đầu, không dám nhìn bà lâu hơn.

18 năm tù là bản án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Trần Văn Tuấn về tội danh “Giết người”. Ngoài ra, Tuấn còn có trách nhiệm bồi thường các khoản mai táng phí, tổn thất về tinh thần cho đại diện hợp pháp của anh Phong; cấp dưỡng cho 2 con của anh Phong đến khi 18 tuổi. Phiên tòa kết thúc, nỗi buồn đau vẫn còn hiện diện, khó có thể xóa nhòa.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG