Gió đang đổi chiều trong quan hệ Nga - Pháp

20/08/2019 - 14:10

Chuyến thăm làm việc ngày 19-8 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Pháp không chỉ tạo được cú hích quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn làm dấy lên hy vọng hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết các thách thức chung cũng sẽ sớm được tái khởi động.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bregancon, miền Nam Pháp ngày 19-8-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung, vốn bị “đóng băng” sau các sự kiện ở miền Đông Ukraine năm 2014, vẫn trong tình trạng lạnh giá, nhưng quan hệ giữa Nga với Pháp thì đang có dấu hiệu "đổi chiều" theo hướng nồng ấm trở lại.

Hai bên đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc, đặc biệt là ở cấp cao. Chỉ tính riêng năm 2018, Tổng thống Putin đã 5 lần trực tiếp gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, đồng thời thường xuyên điện đàm trao đổi các giải pháp thúc đẩy quan hệ song phương và nhiều vấn đề thời sự quốc tế nóng. Gần 2 tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã thăm Pháp, hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Edouard Philippe. Nhờ đó, nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước đã được khôi phục hoạt động, trong đó đáng chú ý là Ủy ban Hợp tác an ninh với sự tham gia của bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, tức là cơ chế “2+2” và Ủy ban Hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại. Có thể nói hai nước đã thiết lập được không gian đối thoại chính trị mới khá hiệu quả.

Lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực. Kết thúc năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 11%, đạt 17,2 tỷ USD so với năm trước đó, đầu tư trực tiếp của Pháp vào nền kinh tế Nga đạt hơn 18 tỷ USD. Hơn 600 doanh nghiệp Pháp hoặc liên doanh đang hoạt động tích cực trên thị trường Nga. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực hợp tác khác giữa Nga và Pháp cũng phát triển rất năng động. Tổng thống Nga Putin cho biết vào năm 2020, hầu hết các khu vực của Pháp đều lên kế hoạch tổ chức tổng cộng 270 hoạt động trong khuôn khổ “Các mùa của Nga”. Đây được coi là một bước biến nữa trên con đường xây dựng mối quan hệ đầy đủ giữa hai nước. 

Nội dung cuộc hội đàm kín kéo dài gần 4 giờ giữa hai tổng thống tại pháo đài Bregançon, miền Nam nước Pháp, cho thấy hai bên đang ưu tiên đối thoại, đồng thời cũng coi trọng vai trò của nhau trong việc duy trì sự ổn định ở châu Âu, như chính Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: "Pháp và Nga là hai cường quốc vĩ đại ở châu Âu".

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề quan hệ song phương và nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như bảo đảm an ninh tại châu Âu, hợp tác giữa Nga và EU, Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Libya… cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khủng bố và an ninh mạng. Mặc dù không đưa ra tuyên bố chung sau hội đàm, song trong cuộc họp báo trước đó, lãnh đạo Nga – Pháp thể hiện mong muốn, quyết tâm đẩy mạnh phát triển hợp tác song phương, đồng thời phối hợp giải quyết các mối đe dọa, thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới. 

Việc Moskva và Paris “bắt tay” nhau làm dấy lên hy vọng vấn đề an ninh toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng sẽ không bị đe dọa sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và nguy cơ Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START 3) sẽ không được gia hạn.

Bên cạnh đó, với tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), thành viên trong “Bộ tứ Normandy”, cơ chế được coi hiệu quả nhất tính đến thời điểm hiện nay về giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Nga và Pháp sẽ thúc đẩy các bên thực hiện nghiêm túc các Thỏa thuận Minsk, qua đó tác động tích cực đối với vấn đề này, nhất là khi Tổng thống Nga thừa nhận xuất hiện cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau khi Kiev có ban lãnh đạo mới. Việc Moskva và Paris có lập trường chung về JCPOA có thể góp phần tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới căng thẳng giữa Tehran và Washington trong vấn đề này. Tất nhiên, không phải Tổng thống Putin và người đồng cấp Macron đều tìm được tiếng nói chung về mọi vấn đề, song hai bên đã thể hiện rõ lập trường rằng dù còn tồn tại những bất đồng, song hợp tác là cần thiết.

Tổng thống Pháp Macron là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây tích cực ủng hộ cải thiện quan hệ giữa EU và Nga, ông cũng là một trong số ít nguyên thủ một nước phương Tây từng thăm chính thức Nga hồi giữa năm ngoái. Trước cuộc đàm lần này với ông Putin, Tổng thống Pháp Macron khẳng định: “Nga là quốc gia châu Âu, và chúng tôi tin vào một châu Âu trải dài từ Lisbon đến Vladivostok”, tuyên bố “sẵn sàng cùng với Nga nghiên cứu định hình cấu trúc an ninh giữa Nga và châu Âu”. Ông Macron cũng nói rằng Pháp đang tìm cách "hồi sinh" lòng tin giữa EU và Nga.

“Gió đổi chiều” trong quan hệ Nga - Pháp được giới phân tích lý giải do Paris thay đổi ưu tiên trong chính sách đối ngoại, trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ bị rạn nứt sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên". Bất đồng xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ trong nhiều vấn đề khiến một số quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, nhận ra rằng rường cột bảo đảm sự phát triển và an ninh của “lục địa già” đang lung lay hơn bao giờ hết, đã đến lúc cần phải tìm lối đi riêng và Nga, quốc gia đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế lớn, từ thỏa thuận hạt nhân Iran, đến xung đột Ukraine và Syria, là lựa chọn hàng đầu. 

Việc củng cố mối quan hệ với Nga vào thời điểm này cũng được đánh giá sẽ giúp nâng cao uy tín của Tổng thống Pháp Macron cả ở trong và ngoài nước. Trong bối cảnh sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang bước vào giai đoạn “hoàng hôn”, còn tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải vật lộn với tiến trình Brexit và chưa có đủ uy tín cần thiết để dẫn dắt EU, vai trò của Pháp như một đầu tàu châu Âu càng nổi bật. Không phải ngẫu nhiên chuyến thăm của Tổng thống Putin được tổ chức ngay trước Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản) tại Biarritz, Pháp. Tổng thống Pháp muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc tham vấn về những vấn đề quốc tế lớn với Nga, đồng thời thể hiện vai trò “cầu nối” giữa Nga và phương Tây.

Về phần Nga, những bước tiến trong quan hệ với Pháp càng mở rộng thêm cánh cửa để Moskva cải thiện quan hệ với EU, tạo cơ hội cho hai bên phối hợp hành động, trước hết là đương đầu với những thách thức chung về an ninh ở châu Âu. Việc ổn định quan hệ với EU lúc này cũng giúp Nga duy trì sự cân bằng chiến lược và giảm bớt sức ép mà Moskva phải gánh chịu hơn 5 năm qua sau khi quan hệ giữa Nga với phương Tây rơi vào căng thẳng. Rõ ràng việc cải thiện quan hệ giữa Nga và Pháp đáp ứng lợi ích của cả hai, và xu thế đối thoại để tìm hướng phối hợp trong những vấn đề cùng có chung lợi ích đang được cả Moskva và Paris nỗ lực duy trì.

Theo DƯƠNG TRÍ (Báo Tin Tức)