Giới thiệu quê hương qua tranh bút lửa

06/02/2018 - 01:21

 - Đó là trường hợp của họa sỹ Phạm Hữu Tài (ấp Thị 1, xã Hội An, Chợ Mới) Thời gian qua, bằng ngòi bút của mình, ông đã giới thiệu đến giới thưởng ngoạn tranh trong và ngoài nước nhiều tác phẩm nghệ thuật (được vẽ bằng bút lửa) giới thiệu về quê hương, đất nước, con người An Giang; giới thiệu về nghề trồng lúa, nuôi cá tra xuất khẩu… qua đó giúp giới thưởng ngoạn hiểu và yêu quê hương An Giang nhiều hơn.

Đam mê

Họa sĩ Phạm Hữu Tài hiện đang công tác ở bộ phận Thanh tra (Sở Giao thông - Vận tải Đồng Tháp). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã có năng khiếu vẽ tranh chân dung, tranh phong cảnh, khắc họa hình ảnh quê hương, đất nước và con người An Giang qua ngòi bút của mình.

Trước đây, anh vẽ tranh bằng bút chì, cọ sơn trên chất liệu giấy, vải và nhiều chất liệu khác. Anh vẽ tranh bằng niềm đam mê cháy bỏng. Tranh của anh vẽ luôn có hình bóng quê hương Hội An hay phản ánh cuộc sống lao động vất vả của bà con ở những ngành nghề mang tính truyền thống như: làng nghề mộc chợ Thủ (Chợ Mới), bó chổi ở xã Phú Bình (Phú Tân) và nhiều làng nghề khác trong tỉnh.

Những gam màu sáng, tối khác nhau trong tranh của họa sĩ Phạm Hữu Tài đã khắc họa hình ảnh An Giang có đồng lúa bát ngát, có nghề nuôi cá tra xuất khẩu hàng đầu khu vực ĐBSCL; con người An Giang sống có nghĩa, có tình, luôn khát khao vươn lên trong cuộc sống.

“Xem tranh của họa sĩ Phạm Hữu Tài mới biết anh có tình yêu quê hương, đất nước và con người An Giang như thế nào. Những năm gầy đây, ngoài tranh thư pháp, ông còn sáng tác nhiều tranh giới thiệu nét đẹp của quê hương An Giang nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh nhà để ngành du lịch phát triển. Đóng góp của họa sỹ Phạm Hữu Tài thật đáng trân trọng…” - ông Trần Văn Nê (xã Hội An, Chợ Mới) chia sẻ.

Lao động

Hơn 10 năm qua, họa sĩ Phạm Hữu Tài đã lao động không mệt mỏi, cho ra đời hàng trăm tác phẩm, giới thiệu đến công chúng các khía cạnh khác nhau của đời sống người dân nông thôn, phản ánh kịp thời chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác mà các địa phương đang thực hiện.

Thời gian gần đây, để sống với đam mê nghề vẽ, anh đã chuyển sang một lĩnh vực mới, vẽ tranh bằng bút lửa, đồng thời thương mại hóa những tác phẩm của mình.

“Mục đích việc thương mại hóa các tác phẩm nghệ thuật nhằm để có kinh phí tiếp tục vẽ, tiếp tục sống với đam mê. Hiện nay, phong trào chơi tranh bút lửa đã phát triển mạnh ở ĐBSCL, vì vậy sản phẩm làm ra không đủ bán, trong đó tranh phong thủy đang được giới thưởng ngoạn mua nhiều nhất, từ đó giúp người họa sĩ có thể sống được với nghề. Đây là tín hiệu đáng mừng của một loại hình nghệ thuật…” - anh Phạm Hữu Tài chia sẻ.

Mùa xuân này, phòng tranh của họa sĩ Phạm Hữu Tài luôn đông khách tìm đến xem và thưởng ngoạn. Nhiều người đã mua cùng lúc 2-3 bức tranh phong thủy mang về treo trong nhà những ngày Tết, vì vậy thể loại tranh bút lửa đã có “đất sống”.

Anh Tài cho biết, dự kiến thời gian tới, ngoài việc đưa tranh bút lửa sang TP. Long Xuyên bán, anh sẽ đi nhiều hơn để sáng tác phong cảnh, giới thiệu những địa điểm du lịch trong tỉnh cho du khách gần xa…

Bài, ảnh: MINH HIỂN