Giữ gìn và phát triển thể thao truyền thống, dân tộc

18/04/2019 - 07:45

 - Cùng với sự phát triển các môn thể thao hiện đại, thể thao thành tích cao, các môn thể thao truyền thống, dân tộc được các cấp, ngành và địa phương quan tâm gìn giữ và phát triển. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Phần tranh tài đội cà om lấy nước rất hấp dẫn du khách

Những năm gần đây, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, với những hoạt động phong phú, đa dạng. Ngoài các môn thể thao hiện đại, như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể hình, quần vợt... những môn thể thao truyền thống, như: đua thuyền, đua bò, đẩy gậy, kéo co, đội cà om lấy nước… được các địa phương thường xuyên tổ chức vào mùa lễ hội. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của tỉnh, ngành, sự nỗ lực của các địa phương, nhiều môn thể thao truyền thống được đưa vào thi đấu tại các giải thể thao cơ sở và cấp tỉnh, thu hút đông đảo người dân giao lưu và thi đấu.

Có thể thấy, các môn thể thao truyền thống đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từ bao đời nay. Người dân luyện tập thể thao không chỉ để rèn luyện sức khỏe, phục vụ lao động sản xuất và học tập, mà còn góp phần duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống. Ở các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt, vận động nhân dân tự đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ cho việc tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Anh Mai Khanh (Châu Phú) cho biết: “Sau những giờ làm việc, lao động, các anh em thường tụ họp đánh bóng chuyền, kéo co để vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Đồng thời, sẵn sàng tham gia thi đấu trong các lễ hội, Tết”.

Dịp Tết, lễ hội truyền thống hay kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao và hội thao. Trong đó các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian là những môn không thể thiếu, như: đua thuyền, đua bò, đẩy gậy, kéo co, đội cà om lấy nước... Những môn thể thao này đã có từ lâu, có những môn mang tính cộng đồng nhưng có những môn mang tính đặc thù của từng dân tộc. Chị Néang Oanh Thai (Tri Tôn) chia sẻ: “Tôi rất yêu thích và thường xuyên luyện tập môn đẩy gậy. Môn thể thao này đã giúp tôi có sức khỏe tốt, tham gia lao động sản xuất đạt hiệu quả. đặc biệt, mỗi dịp tham gia thi đấu thể thao của huyện và tỉnh tổ chức, tôi còn được giao lưu và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu”.

Để phát huy thế mạnh của thể thao truyền thống, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và Chăm sinh sống tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch luân phiên hàng năm. Đây là hoạt động góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng thời, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ XII-2019 vừa kết thúc, ngoài các hoạt động văn hóa, ẩm thức, ngày hội còn tổ chức thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống, như: việt dã, bóng đá mini, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co và đội cà om lấy nước. Trong đó đội cà om lấy nước là trò chơi dân gian được nhiều du khách đặc biệt chú ý, bởi tính độc đáo chỉ có ở đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Em Nguyễn Thị Huyền Trân (Tịnh Biên) cho biết: “Cà om là vật dụng ngày xưa được ông bà dùng để đựng nước nấu cơm, nay được tái hiện trò chơi làm mình tưởng nhớ ông bà lúc xưa phải vất vả mới có được nguồn nước để dùng. Em sẽ cố gắng tập luyện để thi đấu tốt hơn tại các lễ hội hay ngày hội của dân tộc sắp tới”.

Bài, ảnh: L.H