Giữ trẻ mùa lũ

11/09/2018 - 07:00

 - Nước lũ năm nay về sớm và cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm, đó là lý do mà các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai mở các điểm giữ trẻ từ rất sớm. Việc này không chỉ tạo được sự an toàn cho trẻ em, mà còn giúp các bậc phụ huynh có thể an tâm đi làm, cải thiện kinh tế trong mùa lũ, nhất là gia đình có hoàn cảnh nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, ở 2 huyện An Phú và Chợ Mới đã khai giảng 11 điểm giữ trẻ, với trên 380 em. Theo chị La Thị Loan (cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Phú), năm 2016, An Phú chỉ tổ chức 2 điểm giữ trẻ mùa lũ, đến năm 2017 tăng lên 11 điểm tại các xã: Phú Hữu, Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, thị trấn Long Bình. Năm nay, tính đến thời điểm hiện tại đã mở được 6 điểm, tập trung ở 3 xã: Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông và Phú Hội, với 243 em. “Từ đây đến thời điểm lũ rút, tùy theo mực nước lũ ở từng nơi mà các địa phương sẽ chủ động mở thêm các điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn cho các em trong mùa nước” - chị Loan cho hay.

Do là xã đầu nguồn nên mực nước ở xã Vĩnh Hội Đông đã rất cao, nhất là ở 2 ấp: Vĩnh Hòa, Vĩnh An có địa hình thấp, nước ngập sâu. Chính vì vậy, ngay từ giữa tháng 8, địa phương đã tuyên truyền và huy động trên 100 em, từ 2-10 tuổi, tập trung vào những trẻ chưa biết bơi, khả năng đuối nước cao đến các lớp giữ trẻ để đảm bảo an toàn. Phụ huynh của các em đa phần là nghèo khó, đến mùa nước thì đi giăng câu, giăng lưới, bắt ốc, hái rau… kiếm sống qua ngày. Từ khi có những điểm giữ trẻ, bà con an tâm phần nào vì có điều kiện đi làm ăn, con cái thì được chăm lo an toàn. Năm nào cũng vậy, mới bắt đầu vô mùa nước là bà con đã yêu cầu mở những điểm giữ trẻ. “Có những em học lớp 1, buổi sáng sẽ đến trường học, buổi trưa các em đến các điểm giữ trẻ nghỉ ngơi, ăn uống, sau đó buổi chiều sẽ quay lại trường học tiếp tục… Từ đó, số trẻ ở các lớp cũng biến động, tùy vào tình hình thực tế ở từng địa phương mà những điểm giữ trẻ sẽ tổ chức giữ trẻ và nấu ăn cho phù hợp” - chị Loan thông tin.

Từ đầu tháng 9, huyện Chợ Mới đã mở được 5 lớp giữ trẻ mùa lũ, tại 2 xã Mỹ Hiệp và Tấn Mỹ. Trong đó, có 3 lớp tập trung ở ấp Tấn Long (xã Tấn Mỹ). Chị Bùi Thị Mỹ Linh (cán bộ gia đình và trẻ em xã Tấn Mỹ) cho biết, do ấp Tấn Long với địa hình là cồn nên mỗi khi lũ về gần như bị nước bao phủ. Nếu như năm rồi, mực nước thấp, địa phương chỉ mở 2 điểm giữ trẻ thì năm nay đã tăng lên 3 điểm, với 80 em, dưới 6 tuổi, chủ yếu tập trung các đối tượng: nghèo, cận nghèo, khó khăn. “Đến với lớp giữ trẻ này, các em được vui chơi, ăn, uống, ngủ đủ giấc. Kinh tế ở địa phương chủ yếu trồng rẫy, lúc lũ về, nước ngập nhiều nên bà con đến nơi khác làm thuê, làm mướn… do đó nhu cầu giữ trẻ là rất cao. Nắm được tình hình, hàng năm tùy vào thực tế mà xã chủ động tìm các điểm an toàn, mời cô giáo tham gia các lớp tập huấn giữ trẻ và khai giảng các điểm giữ trẻ ở các địa phương” - chị Linh giải thích.

Là người địa phương, đội ngũ tham gia giữ trẻ đều hiểu hết được hoàn cảnh khó khăn của các gia đình cho con đến các điểm giữ trẻ. Vì vậy, dù chỉ nhận được ít tiền hỗ trợ, nhưng các cô vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc các em an toàn, để phụ huynh yên tâm đi tìm kế sinh nhai. Không chỉ tình nguyện giữ trẻ, các cô còn tranh thủ vận động quần áo, quà bánh từ nhà hảo tâm để cho các em. Đã tham gia công việc giữ trẻ vào mùa lũ hơn chục năm, năm nay, cô Nguyễn Thị Diệu và 5 cô giáo khác cùng tham gia giữ 80 em tại ấp Tấn Long (xã Tấn Mỹ), kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Mỗi buổi sáng, các cô đến lớp rất sớm để quét dọn, lau chùi, sau đó đúng 6 giờ 30 phút sẽ mở cửa đón các em. “Nước lên mỗi ngày, cao hơn hàng năm rất nhiều, tất cả đều ngập sâu nên tôi tham gia giữ trẻ để cha, mẹ các cháu đi làm thuận tiện. Phụ huynh nào đi làm sớm, tăng ca thì buổi sáng mình cũng nhận tiếp cho các cháu ăn sáng để họ đi làm kịp giờ” - cô Diệu chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN