Giữ vững tiêu chí các xã văn hóa nông thôn mới

14/11/2019 - 07:33

 - Đến nay, huyện Phú Tân có 16 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới (NTM)” và 2 thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị”, trong đó có 14 xã đã được tổ chức lễ trao bằng công nhận “Xã văn hóa NTM”. Từ những kết quả đạt được mang đến chuyển biến tích cực trong đời sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Để thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí: giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa và ấp văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn… Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM; các phong trào văn hóa ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được người dân thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” là những cải thiện nổi bật được thể hiện rõ nét ở mỗi địa bàn dân cư.

Lễ công nhận xã Hòa Lạc đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”

Điển hình ở xã Hiệp Xương, giai đoạn 2017-2018, toàn xã có 1.528 hộ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, trong đó có 1.091 hộ đạt “Gia đình văn hóa” 3 năm trở lên, chiếm tỷ lệ 71,4%. Chủ tịch UBND xã Hiệp Xương Phan Văn Ta cho biết, 5/5 ấp của xã được công nhận và giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa”, trong đó ấp Hiệp Trung giữ vững danh hiệu 18 năm liền, ấp Hiệp Hòa 12 năm liền, ấp Hiệp Hưng 10 năm liền, ấp Hiệp Thuận 9 năm liền... Phong trào văn hóa - văn nghệ được phát triển đều ở các ấp, đặc biệt còn có các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao thu hút người dân chuyên lẫn không chuyên tham gia, khẳng định chất lượng hoạt động tại các cuộc thi trong và ngoài huyện.

Tại xã Hòa Lạc, khuôn viên nhà ở của người dân được vệ sinh sạch, đẹp, với 100% hộ theo trục lộ giao thông có cột cờ thẳng tắp, trên 70% hộ làm hàng rào. Các hộ còn đăng ký thu gom rác hoặc xử lý theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên đã vận động thực hiện mô hình lắp đèn đường chiếu sáng, vận động nhân dân lắp dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời. Thống kê trên địa bàn xã có 42,6ha diện tích đất vườn tạp, qua 2 năm vận động, hiện nay đã có 30,5ha diện tích được cải tạo sản xuất, phát triển chuối, xoài, dừa, nhãn… Sự đồng thuận của nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng NTM góp phần duy trì danh hiệu văn hóa ở các hộ gia đình, các ấp, cơ quan, đơn vị nhiều năm liền. Trong 2 năm (2017-2018), xã vận động nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng tiền mặt và 460 ngày công lao động để nâng cấp các cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, văn hóa trên địa bàn.

Biểu dương gia đình văn hóa, cá nhân tiêu biểu - thành tố chính trong quá trình xây dựng xã văn hóa nông thôn mới

Sau khi được công nhận, hàng năm địa phương đều phát động các hộ dân, Ban Nhân dân ấp, cơ quan, trường học đăng ký lại các danh hiệu để có sự chung sức, đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị về trách nhiệm giữ vững các tiêu chí. Đây là kinh nghiệm ở Bình Thạnh Đông - xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện Phú Tân trong năm nay. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Bình Thạnh Đông đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%, không còn nhà xiêu vẹo, dột nát, không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo. Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông Lê Trung Anh cho biết, trong việc xây dựng xã văn hóa NTM điểm nhấn chính là xây dựng “Gia đình văn hóa”, phải phát huy được vai trò, sức mạnh của người dân tham gia vào từng phong trào, nhiệm vụ cụ thể. Khi nhận thức được giá trị của gia đình văn hóa, họ chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước cũng như hưởng ứng các nội dung do chính quyền địa phương vận động. 2 năm qua, xã Bình Thạnh Đông đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình đèn đường, hàng rào cây xanh và cột cờ. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp trên 1,8 tỷ đồng để nạo vét các kênh mương nội đồng, sửa chữa và láng nhựa những đoạn đường bị bong tróc, sụt lún…

Giá trị văn hóa được nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy địa phương tiến nhanh về đích NTM.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích