Gỡ khó cho ngành giáo dục năm học mới

21/08/2019 - 06:47

 - Đến nay, hệ thống trường lớp ở An Giang đã trải khắp 156/156 xã, phường, thị trấn, quy mô trường lớp tiếp tục được kiện toàn, bố trí lại ngày càng hợp lý hơn. Tỉnh tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học và THCS; tỷ lệ huy động học sinh (HS) các ngành học, cấp học hầu hết đạt khá cao so kế hoạch. Chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi THPTquốc giađược triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực… Bên cạnh đó, vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Năm học này, ngành GD&ĐT An Giang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ GD theo hướng đổi mới, phát triển toàn diện cho HS. Tỉnh đã xây dựng đề án triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, trên quan điểm: giảm các cơ sở GD một cách hợp lý (giảm các trường có cự ly gần, quy mô quá nhỏ, dự báo nhiều năm không tăng quy mô bằng giải pháp sáp nhập, hình thành trường nhiều cấp học…); tiếp tục phát triển mới theo quy hoạch và nhu cầu học tập của người dân, sắp xếp lại sĩ số học sinh/lớp tiệm cận với quy định. Hạn chế hoặc không hình thành trường phổ thông có cấp học nếu điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo độc lập tương đối để tổ chức giảng dạy phù hợp. Việc tinh gọn bộ máy, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phải có lộ trình riêng, trong đó nhiều ngành còn thiếu giáo viên so định biên. Tỉnh không thể áp dụng “cứng nhắc” lộ trình tinh giản 10% như các ngành khác (quy định mỗi năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%) sẽ dễ dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. 

Thời gian qua, việc sáp nhập một số trường tiểu học có quy mô nhỏ còn mang tính cơ học, do đơn vị sáp nhập không đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, dẫn đến phát sinh điểm phụ (điểm lẻ), gây khó khăn quản lý. Trong khi đó, điều kiện hỗ trợ học tập tại điểm phụ không bằng điểm chính, gây khó khăn cho HS (do thiết bị, phòng tin học, thư viện… đều ở điểm chính) nên không tạo được sự bình đẳng trong học tập của HS. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Mặc dù có sự quan tâm để đầu tư trang thiết bị trường lớp hướng tới đạt chuẩn quốc gia, nhưng số trường đạt chuẩn hiện còn rất thấp so với chỉ tiêu. Đến cuối năm qua, có 52/182 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 28,57%), tăng 23 trường so với năm học trước; có 83/328 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường đạt mức độ 2 (tỷ lệ 25,38%), tăng 28 trường so với năm học trước; có 53/156 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 33,97%), tăng 25 trường so với năm học trước; có 18/48 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 37,5%), tăng 5 trường so năm học trước. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ phòng học xuống cấp khá cao, thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn… dẫn đến việc tổ chức bán trú cho trẻ gặp khó khăn. Một số cơ sở do diện tích chật hẹp, thiếu không gian bố trí môi trường giáo dục, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chuyên đề. 

Với những khó khăn của ngành GD tỉnh nhà, trước thềm năm học mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề xuất Trung ương tiếp tục duy trì các chương trình, dự án đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp để đảm bảo các mục tiêu phát triển GD. Về chính sách thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện cơ chế giá dịch vụ GD, đổi mới khung học phí GD mầm non, phổ thông theo hướng giãn cách rộng hơn, hướng đến tính đúng, đủ chi phí… để các trường công lập đẩy nhanh lộ trình tự chủ, tăng cường dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân gắn với xã hội hóa và cung cấp các dịch vụ GD. 

Gỡ khó cho ngành giáo dục năm học mới

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp đảm bảo phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: HỮU HUYNH

Về đội ngũ: cần có chính sách thường xuyên luân chuyển giáo viên (quy định thời gian luân chuyển, chế độ đãi ngộ…) để điều hòa chất lượng lẫn số lượng đội ngũ giúp giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Đối với bậc học mầm non đang gặp nhiều khó khăn, cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên mầm non để thu hút. Hiện, giáo viên bậc học mầm non chịu nhiều áp lực, ngoài dạy học còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, nhưng thu nhập lại thấp hơn các bậc học khác (hiện lương tuyển dụng lần đầu thấp, chỉ với hệ số 1,86, còn tập sự chỉ hưởng 85% lương ở mọi trình độ đào tạo). An Giang đang thiếu giáo viên mầm non, nếu không có chế độ đãi ngộ và chính sách thu hút sinh viên chọn ngành học mầm non thì sẽ gây ra tình trạng thiếu giáo viên kéo dài. 

Để thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu phát triển GD&ĐT phải có sự quan tâm, đầu tư, chăm lo và đồng thuận của toàn xã hội. Sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương, các đoàn thể, trong đó ngành GD&ĐT phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao. Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học mới, một số giải pháp lớn đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra, trong đó có việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông; phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng mạng lưới trường học để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. 

Thủ tướng yêu cầu rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ hiện nay; có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Về vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống HS, Thủ tướng yêu cầu các trường tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương phát huy vai trò của gia đình - nhà trường - xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng yêu cầu ngành GD tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

HỮU HUYNH