Gỗ lậu trên biên giới Đồng Tháp

02/08/2018 - 10:12

Thời gian qua trên địa bàn biên giới Đồng Tháp, mặt hàng gỗ lậu vẫn tìm cách “vượt biên” vào Việt Nam để “phục vụ” cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ tại thị trường nội địa.

A A

Gỗ lậu do Cục Hải quan Đồng Tháp bắt giữ​​​.

Ông Võ Phát Đạt, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết, mặc dù số lượng không nhiều nhưng gỗ lậu vẫn được các đối tượng tìm cách lén lút nhập lậu qua biên giới. Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng thường xin giấy phép mở các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ dọc theo biên giới để trà trộn, nhập nhằng giữa gỗ lậu và gỗ nội địa. Cục Hải quan Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị phải bám sát địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả với mặt hàng lậu này.

Cuối tháng 6 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan đã phối hợp với Công an xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự tiến hành tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Sở Thượng. Tại khu vực ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B, tổ công tác phát hiện xuồng máy không số hiệu có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu nên đã yêu cầu kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Thanh Tuấn, sinh năm 1973 ngụ tại địa phương đã nhận là chủ phương tiện và số gỗ đang chở. Kiểm tra chi tiết, tổ công tác phát hiện số gỗ trên là 21 hộp gỗ xẻ giáng hương và 2 tấm gỗ gõ mật, 10 miếng gỗ xẻ tròn cắt thành đôn.

Ông Tuấn khai nhận số gỗ trên do ông mua của một người đàn ông Campuchia vận chuyển từ bên kia biên giới về Việt Nam bán, không có giấy tờ gì chứng minh hợp pháp. Hiện Đội Kiểm soát Hải quan đang tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện để điều tra làm rõ.

Trước đó, Đội Kiểm soát Hải quan đã phối hợp với Công an xã Thường Thới Hậu A tiến hành kiểm tra bến sông cạnh DNTN N.T tại địa bàn và phát hiện nhiều sản phẩm gỗ như giường, ghế dây, bàn trang điểm và gỗ xẻ các loại thuộc gỗ hương, căm xe, cà chít đang để trên phương tiện thủy. Đại diện chủ phương tiện này cho rằng đây là gỗ và sản phẩm gỗ mua nội địa và nhập khẩu chính thức. Tuy nhiên, qua đấu tranh cơ sở này phải thừa nhận đây là lô hàng lậu với ý định sẽ trà trộn nhằm hợp thức hóa thông qua các tờ khai nhập khẩu trước hoặc chứng từ mua bán gỗ nội địa. Đây được xem như là một thủ đoạn mới, lực lượng chức năng đang tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra. Hiện nay, số cơ sở chế biến gỗ dọc biên giới đang có xu hướng "mọc" thêm nhằm hợp thức hóa gỗ lậu.

Vào ngày đầu tháng 7 vừa qua, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng Biên phòng Đồng Tháp đã phát hiện 2 xuồng máy chạy từ phía Campuchia về Việt Nam theo đường sông đi qua khu vực cột mốc 232 (19) thuộc ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có dấu hiệu vận chuyển gỗ lậu nên đã tiếp cận kiểm tra. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng đi trên chiếc xuồng thứ hai đã tắt máy đâm vào bờ và tẩu thoát về phía Campuchia. Lực lượng Biên phòng tạm giữ đối tượng Cao Hoành Nam, trú tại ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, người điều khiển phương tiện trên chiếc xuồng còn lại. Nam khai nhận chỉ là người chở thuê, chưa xác định được chủ hàng. Số gỗ tang vật trên 2 xuồng máy  nói trên là gỗ trắc, gỗ muồng đen và giáng hương, với tổng trọng lượng trên 1,5 tấn.

Hiên nay, gỗ trắc là mặt hàng có giá trị, XNK phải có giấy phép của cơ quan Cites nên hầu hết các đối tượng đều mua bán theo con đường "lậu" nhằm né các thủ tục, kiếm lời bất hợp pháp. Dự báo trong thời gian tới mặt hàng này có khả năng vẫn sẽ tiếp tục được nhập lậu qua biên giới.

Theo các công chức Hải quan ở đây, năm 2017, cũng trên tuyến biên giới Đồng Tháp, Tổ kiểm soát hải quan phối hợp gồm Chi cục Hải quan Sở Thượng, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Đồng Tháp và Công an xã Bình Thạnh đã phát hiện bắt quả tang 3 đối tượng người Campuchia đang vận chuyển hơn 4 tấn gỗ trắc và 1 mặt bàn tròn bằng gỗ hương (0,124m3) không có giấy tờ hợp pháp tại khu vực ấp Bình Hòa, xã biên giới Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự. Sau khi bắt giữ và tiến hành các thủ tục theo quy định, xác định vụ việc có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nên Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp đã ký quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ vụ việc, đối tượng sang Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.

Qua các vụ gỗ lậu cho thấy, các đối tượng buôn lậu gỗ qua biên giới trong nước đều cấu kết với các đối tượng người Campuchia, tổ chức canh đường chặt chẽ nên việc bắt giữ, đấu tranh rất khó khăn, rất khó tìm ra đầu nậu. Nay thêm việc mở các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ dọc theo biên giới để trà trộn giữa gỗ lậu và gỗ thu mua trong nước đã khiến việc chống buôn lậu gỗ qua biên giới thêm phần khó khăn. Lực lượng kiểm soát của Hải quan Đồng Tháp thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả các biện pháp để đấu tranh hiệu quả với buôn lậu gỗ tại địa bàn - ông Võ Phát Đạt, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết.

Theo Báo Hải Quan