Góp sức cho cầu nông thôn

17/04/2019 - 07:38

 - “Xây 1 ngôi nhà sẽ giúp 1 gia đình được yên ấm, xây 1 cây cầu sẽ giúp hàng ngàn người được hưởng lợi. Chính quyền địa phương cần phải ý thức được ý nghĩa của việc xây cầu nông thôn để tập trung hoàn thành ở mức tối đa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Huy động những tấm lòng vàng

Ở xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu), chú Cao Hồng Nhãn (Sáu Nhãn) là người rất giỏi tập hợp các lực lượng cùng chung tay xây dựng cầu nông thôn. Để tiết kiệm chi phí tối đa, đội của chú Sáu tự lập bản thiết kế, thi công hoàn toàn miễn phí. “Việc cơm nước đã có bà con lo tại chỗ, mà ăn cơm chay nên chẳng tốn bao nhiêu. Trong lúc xây cầu, ngày nào Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh cũng xuống động viên, cần lực lượng tiếp ứng là lãnh đạo xã điều động liền” - Sáu Nhãn phấn khởi.

Những chiếc cầu nông thôn mang lại niềm vui lớn cho người dân

Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa đội thi công cầu thiện nguyện, người dân, chính quyền và nhà hảo tâm mà những cây cầu được triển khai khá nhanh, giá rẻ, chất lượng đảm bảo. “Chúng tôi lên TP. Hồ Chí Minh, vào tận đại lý lớn để mua 1 lần 5 tấn sắt, tính ra rẻ hơn mua ở Tân Châu 30.000 đồng/cây sắt; vào tới các đơn vị khai thác đá ở Tri Tôn mua đá 1x2 vừa rẻ mà lại đủ khối lượng, sẵn xin thêm 200m3 cát về xây dựng. Nhờ vậy, mỗi cây cầu bê-tông làm xong tiết kiệm được thêm 150 triệu đồng”- Sáu Nhãn chia sẻ.

Ở An Giang, những người luôn dốc lòng nối nhịp cầu nông thôn như đội từ thiện của chú Sáu Nhãn không phải hiếm. Chẳng những không nhận tiền công, họ còn sẵn lòng đóng góp thêm khi thiếu kinh phí. Chính nhờ uy tín của các đội xây cầu thiện nguyện, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo được niềm tin, động lực để các nhà hảo tâm chung tay đóng góp. Điều này giải thích vì sao giai đoạn 2016-2028, mới hơn nửa đoạn đường của Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang (giai đoạn 2016-2020), toàn tỉnh đã xây dựng được 294 cây cầu, với tổng chiều dài 9.570m. Trong tổng kinh phí 339,85 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội chiếm 78,1% (265,44 tỷ đồng), chưa kể 61.254 ngày công do nhân dân đóng góp. Giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh cần xây dựng thêm 187 cây cầu để hoàn thành đề án nhưng trước khí thế mạnh mẽ của phong trào, các địa phương đã đăng ký thực hiện 268 cây cầu, vượt 81 cây so đề án.

Món quà dâng tặng Bác Tôn

Thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm, theo dõi sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tiến độ xây cầu nông thôn ở đó đạt nhanh hơn. Thái độ, uy tín của lãnh đạo địa phương là động lực khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay đóng góp, huy động các lực lượng chung sức xây dựng cầu nông thôn. Điển hình như ở huyện Tri Tôn, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng giai đoạn 2016-2018, đã xây dựng được 43 cầu nông thôn, nhiều nhất tỉnh. Tại TP. Long Xuyên, theo Đề án giai đoạn 2016-2020, cần xây dựng 23 cầu nông thôn nhưng mới 3 năm (2016-2018), địa phương đã huy động các nguồn lực xây dựng được 33 cây cầu. Dù vượt kế hoạch nhưng giai đoạn 2019-2020, TP. Long Xuyên đặt mục tiêu xây dựng thêm 8 cây cầu nữa để nối liền hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn. Ở huyện Thoại Sơn, năm 2019 này phấn đấu hoàn thành cùng lúc 40 cây cầu nông thôn, góp phần giúp vùng đất ông Thoại hoàn thành huyện nông thôn mới. Nếu thực hiện đúng tiến độ đề ra, đến năm 2020, Thoại Sơn sẽ xây dựng được 84 cây cầu nông thôn, vượt 20 cây so chỉ tiêu đề án.

Tri ân những tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng cầu nông thôn là việc làm thường xuyên của huyện Tri Tôn

“Trời một mặt sáng đầy thiên hạ, cầu một cây chở cả muôn người” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng dẫn câu thơ để thấy được giá trị, ý nghĩa to lớn của cầu nông thôn. Theo ông Lê Văn Nưng, việc vận động các nguồn lực xây cầu được An Giang thực hiện từ lâu, bắt đầu từ cầu tre lắc lẻo, cầu gỗ bạch đàn, cầu gỗ căm xe, cầu sắt tạm, cầu sắt mạ kẽm, cầu bê-tông tự đổ cột cho đến cầu bê-tông vĩnh cửu như hôm nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tỉnh có Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn với lộ trình, địa chỉ, số lượng cụ thể, được phân công trách nhiệm rõ ràng. “An Giang đi đầu cả nước về vận động mua xe cứu thương miễn phí thì cũng có thể đi đầu về xã hội hóa xây dựng cầu nông thôn. Việc hoàn thành đề án vào năm 2020 là món quà dâng lên Bác Tôn nhân kỷ niệm 132 năm sinh nhật Bác, là món quà chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Dự kiến tháng 8-2020, tỉnh sẽ tổng kết Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn kết hợp vinh danh những cá nhân và tổ chức có nhiều đóng góp xây dựng cầu cũng như đóng góp cho sự phát triển của An Giang” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

“Mỗi huyện, thị xã, thành phố phải thành lập ít nhất 2 đội xây dựng nhà cho người nghèo và xây cầu nông thôn thiện nguyện. Lãnh đạo các địa phương phải quyết liệt, tiên phong trong vận động xây cầu, cần sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp đề sớm hoàn thành Đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh

 

NGÔ CHUẨN