Hạn mặn đã đỡ, mong mùa ấm êm

14/03/2018 - 14:17

Qua một vài con nước từ rằm tháng Chạp năm ngoái đến gần hết tháng Giêng này, ngành chức năng huyện Trà Ôn đo được cho thấy đã có nước mặn nhấp nhem từ phía hạ nguồn. Song, mới đây nhất, độ mặn ghi nhận ở vàm Tân Dinh-giáp giữa xã Tích Thiện (Trà Ôn) và xã An Phú Tân (Cầu Kè)- rất thấp, chỉ là 0,1‰.

A A

Dẫu mặn chưa về hoặc sẽ về ít, nhưng tâm thế của nhiều nông dân vùng dọc sông Hậu phía hạ nguồn vẫn không quên ngó chừng. Bởi chính quyền và nhiều nhà vườn đã không kịp trở tay mùa mặn xâm nhập tết năm 2016 vắt sang năm 2017, gây thiệt hại lớn cho lúa, hoa màu, cây trái.

Cống hở Rạch Ranh giúp điều tiết nước nội đồng địa bàn Tích Thiện, Thiện Mỹ.

Xanh vùng lúa và cây trái

Ông Nguyễn Minh Nhựt (ấp Tích Phước, xã Tích Thiện) có hơn chục công vườn trước đây trồng chanh bông tím và cóc Thái. Không trồng lúa nên không bị ảnh hưởng trực tiếp khi mặn vào nhưng việc tưới tiêu của vườn ông bị ảnh hưởng do cống ngăn lại, bơm tát tốn thêm chi phí.

Nói về nắng gió và nước nôi năm nay, ông Nhựt cho rằng: “Năm nay đỡ rồi, hạn mặn không còn gay gắt như hồi năm kia. Vườn tược nhiều nhà trong xóm đã phục hồi.

Phục hồi đây là số nào ảnh hưởng hạn, mặn ít mà còn chăm bón được thì cứu chữa, số nào ảnh hưởng nặng như chôm chôm, sầu riêng, cam sành hay rau màu thì nhà vườn phá bỏ trồng lại cây khác”.

Ông Nhựt cho biết, lời gấp 2-3 lần trồng lúa, nên vườn ông chủ yếu là chanh bông tím và cóc Thái. Hiện vườn chanh đã lão nên ông chăm chút vườn cóc làm kinh tế gia đình.

Ông Lưu Chí Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Tích Thiện- cho biết những ngày qua xã đo được độ mặn là 0,1‰. Tuy nhiên, nếu nắng nhiều thì sợ mặn lên.

Ông nói cùng với chính quyền, bà con mình giờ ý thức về thời tiết chặt chẽ, hễ có biến động thì ứng phó liền.

Cùng với việc vận động bà con thực hiện chiến dịch mùa khô, đảm bảo thủy lợi khép kín, khơi thông ao mương vườn trữ nước, hiện mỗi ngày xã đều đo độ mặn để kiểm soát, kịp thời thông báo bà con.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn- cho biết huyện đã hoàn thành các công trình thủy lợi (cống đập, kinh mương) năm 2017, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả: “Hạn, mặn đã được chủ động phòng tránh”.

Bí thư Đảng ủy xã Tích Thiện Nguyễn Thanh Nhã thì khoác tay bao quát một màu xanh trên cánh đồng trong xã khi tiếp chuyện với chúng tôi.

Ở đó lúa còn không nhiều, giờ bà con chuyển đổi mạnh sang hoa màu, cây ăn trái. Ông bảo ở Tích Thiện nếu bây giờ nói cây trái đặc sản thì... hơi khó.

Trước đây có chôm chôm chủ yếu bên cù lao Tích Khánh nhưng nay diện tích hoa màu nhiều, rồi dừa, cam sành,
nhãn Ido.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, bởi thích nghi với thời tiết, như hạn mặn bất ngờ cách đây 2 năm cộng với cơ cấu lại sản xuất mà nhiều cây trồng, vật nuôi đã được chuyển đổi để phù hợp.

Xã đang quan tâm mô hình tổ hợp tác trồng nhãn Ido và định hướng nâng lên hợp tác xã. Cùng với khoảng 7 trang trại nuôi gà, trồng dừa,... đây là một số trong nhiều hướng chuyển đổi canh tác của bà con hiện nay.

Chủ động sản xuất, mong mùa ấm êm

Chuyển đổi sang màu và cây ăn trái ở nhiều vùng nguy cơ ảnh hưởng hạn, nguy cơ xâm nhập mặn hiện đang tích cực. Trong ảnh: Thu hoạch khổ qua ở xã Thiện Mỹ.

Theo ông Tám, hơn 20 công trình tương tự tiếp tục đầu tư năm nay. Mà tới đây, ngành nông nghiệp phối hợp Ban Quản lý dự án huyện triển khai 12 công trình với tổng vốn khoảng 4,5 tỷ đồng.

Song song thực hiện chiến dịch mùa khô ở các địa bàn xã, hệ thống thủy lợi sẽ tăng cường giữ nước ngọt, ứng phó với hạn và xâm nhập mặn (nếu có), đảm bảo an toàn vùng sản xuất hơn 1.700ha lúa và 120ha màu và đời sống bà con vùng nguy cơ.

Ngành nông nghiệp cũng thường xuyên đo độ mặn ở các vàm chính: Tân Dinh, sông Hậu- sông Măng Thít để kịp thời báo cáo huyện và thông tin rộng rãi.

Một nhiệm vụ không kém quan trọng là kết hợp các địa bàn bị hạn, mặn năm 2016 để tuyên truyền bà con chủ động bảo vệ nguồn nước ngọt, môi trường, chuyển đổi canh tác phù hợp...

Bởi qua báo đài, dự báo năm nay hạn, mặn cũng sẽ phức tạp mà trước hết từ tháng 2âl, mức độ có thể tương đương.

Tại ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ), mới qua rằm rồi chúng tôi ngồi nói chuyện với một số nông dân về vụ Hè Thu năm nay. Làm 10 công lúa, ông Phạm Văn Trọng cho biết từ sạ đến 21 tháng Giêng rồi là 30- 33 ngày.

“Ban đầu èo uột, giờ thấy được lắm”- ông Trọng nói và hy vọng mùa tới sẽ đỡ hơn mùa Đông Xuân qua, bởi vụ Đông Xuân năng suất không cao hơn mọi năm.

Ngoài mong mỏi trên, ông Trọng còn băn khoăn chuyện thời vụ. Mà điều đó 2 năm trước đây, dù ở sâu trong nội đồng nhưng nông dân vùng Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ như ông Trọng cũng bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.

Tại cống Tư Quyền, ông Trọng nói giờ cống mở thoải mái cho nước ra vô bà con canh tác, nhưng “trong xóm theo dõi rất chặt”.

Cống này nằm trên trục đường mới liên ấp Cây Điệp- Đục Dông thuộc xã Thiện Mỹ, nhưng con nước theo kinh phục vụ sản xuất ở địa bàn này và giáp với Tích Thiện, Vĩnh Xuân.

Đã từng theo dõi, chỉ đạo khắc phục hạn mặn, ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng “hiện giờ chưa có gì, nhưng qua tháng 2 âl không biết ra sao”.

Theo ông, về hạn, những con nước rằm và 29-30 âl thì vùng ngoài khai vô đồng được hết, chỉ các vùng gò phải bơm.

Về mặn, do gần sông lớn nên nước ngọt thoải mái canh tác nhưng nếu mặn ngấp nghé thì bà con đây cũng bị ảnh hưởng hơn các nơi khác.

Là lãnh đạo xã và với kinh nghiệm của một nông dân, ông Nguyễn Thanh Nhã mong rằng “năm nay nước thượng nguồn đổ về nhiều và sớm hơn, cũng như gió vào lúc 2 con nước (nhất là nước tối) ở giữa và cuối tháng ít lại”; để gia giảm nguy cơ đối mặt với nắng hạn kéo dài và nước mặn có thể vào, cho bà con an tâm sản xuất.

Theo TƯỜNG VÂN (Báo Vĩnh Long)