Hàng chục triệu người Mỹ bắt đầu đi bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ

06/11/2018 - 19:25

Sáng 6-11 (theo giờ Bờ Đông của nước Mỹ, tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), các cử tri đã bắt đầu diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động bầu cử cho đảng Cộng hòa tại Estero, Florida ngày 31-10-2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cử tri tại bang Maine, Vermont, New Hampshire, New Jersey và New York đã bắt đầu tới các điểm bỏ phiếu, đánh dấu sự bắt đầu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Cuộc bầu cử để quyết định liệu đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục giữ thế đa số trong Quốc hội hay sẽ phải đối mặt với viễn cảnh phe Dân chủ chiếm đa số, sau một chiến dịch tranh cử được cả hai bên mô tả là "trận chiến giành linh hồn nước Mỹ."

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, hàng chục triệu người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện, 35/100 ghế trong Thượng viện, 36 thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ.

Trước đó, hơn 34 triệu triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua hình thức gửi thư. Con số này cao hơn nhiều so với số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2014 là 22 triệu người.

Đại đa số cử tri trong cuộc bầu cử ngày hôm nay sẽ đến các địa điểm bỏ phiếu theo khu vực đặt tại các trường học, các sở cứu hỏa, nhà thờ và những nơi khác.

Hầu hết các điểm bỏ phiếu tại Mỹ được mở cửa từ 7 giờ sáng tới 19 giờ tối nhưng tại một số bang, hoạt động bỏ phiếu bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 20 giờ tối.

Thời gian bỏ phiếu muộn nhất đến 9 giờ tối cùng ngày. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày theo giờ Mỹ. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay có thể lên tới 45%, cao nhất trong vòng 50 năm qua.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã triển khai nhân viên tới 35 điểm bỏ phiếu ở 19 bang trên cả nước để giám sát việc tuân thủ các điều luật bầu cử liên bang.

Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tại các điểm bầu cử, sau vụ gửi bom thư khủng bố tới các chính khách có ảnh hưởng lớn của đảng Dân chủ cũng như vụ xả súng diễn ra tại nhà thờ người Do Thái ở Pittsburgh, bang Pennsylvania.

Các chuyên gia an ninh cảnh báo nguy cơ lớn về khả năng các điểm bầu cử có thể trở thành mục tiêu khủng bố.

Mặc dù đây không phải là cuộc bầu quan trọng nhất ở Mỹ, nhưng kết quả bầu cử lại được cả thế giới theo dõi chặt chẽ. Cuộc bầu cử này có khả năng xác định sự lâu bền của chính quyền Tổng thống Donald Trump và thậm chí ảnh hưởng đến tương lai của Mỹ.

Nếu đảng Dân chủ giành thắng lợi ở Hạ viện, đảng này có thể làm chệch hướng hoặc đóng băng một số chương trình nghị sự của Tổng thống Trump trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, tăng cường sự giám sát của quốc hội, hạn chế nghiêm ngặt các lựa chọn của Tống thống Trump đối với các ứng cử viên đề cử vào các vị trí nội các và thẩm phán liên bang.

Thậm chí, đảng Dân chủ còn có khả năng sẽ tiến hành điều tra Tổng thống Trump và chính quyền của ông về các giao dịch kinh doanh của ông hoặc việc hợp tác mà ông bị cáo buộc tiến hành với Nga.

Ngược lại, nếu đảng Cộng hòa vẫn duy trì được kiềm quyển soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện trong Quốc hội.

Đây được coi là chiến thắng quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Trump bởi nó cho thấy mức độ tín nhiệm của của cử tri đối với hiệu quả làm việc của cơ quan lập pháp, cũng niềm tin và hy vọng của họ vào sự điều hành dẫn dắt đất nước của ông chủ Nhà Trắng theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” hay “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Đặc biệt, chiến thắng này sẽ giúp Tổng thống Trump tiếp tục thực hiện một loạt các chương trình nghị sự của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, như vấn đề nhập cư hay bãi bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare.

Theo VIETNAM+