Hàng Việt chiếm vị thế trong lòng người dân

04/06/2019 - 07:43

 - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) của Bộ Chính trị đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nhất là trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân. Cuộc vận động đã góp phần thay đổi nhận thức và tạo thói quen dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn An Giang.

Hàng Việt chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng

Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối ở mức tương đối cao; tại các hệ thống siêu thị: Tứ Sơn, VinMart, Co.opmart… tỷ lệ hàng Việt chiếm 90%. Tại Siêu thị Tứ Sơn hình thành khu hàng đặc sản các vùng miền, với trên 400 mặt hàng của 16 tỉnh, thành phố và sản phẩm của trên 70 doanh nghiệp (DN) ở An Giang có tại siêu thị. Con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa.

Có mặt tại các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn cho thấy, người dân An Giang luôn ưu tiên dùng hàng Việt, kể cả hành động người dân mua sắm hàng Việt bằng thái độ hết sức trân trọng. Trong khi trên thị trường quá nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được bà con đánh giá là lựa chọn mua sắm tốt nhất với hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý. Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “10 năm đưa hàng Việt về nông thôn có trên 150 DN Việt luôn đồng hành và doanh số bán hàng hơn 300 tỷ đồng, thể hiện sức mua bà con tin dùng hàng Việt”.

Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động có sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Việc so sánh sản phẩm là hàng nội địa với hàng nước ngoài về chất lượng, giá cả đã xuất hiện nhiều trong tâm lý của người tiêu dùng khi mua sắm; việc đề cao hàng ngoại đã có bước chuyển biến và giảm hơn trước. Cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có ý thức hơn, thể hiện tính gương mẫu trong việc dùng hàng Việt, đồng thời tích cực tuyên truyền trong gia đình và nhân dân cùng thực hiện. Hiệu ứng của Cuộc vận động đã tác động đến cộng đồng DN, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam. Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt. Thể hiện qua thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, xem đó là tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Hàng Việt chiếm vị thế trong lòng người dân

Kết nối giao thương, đưa sản phẩm đặc sản khắp các vùng, miền vào hệ thống siêu thị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng Việt

Nhiều giải pháp hưởng ứng Cuộc vận động

Để đạt kết quả trên, Tỉnh ủy An Giang đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Bộ phận giúp việc từ tỉnh đến cơ sở; phát hành “Sổ tay người tiêu dùng”; xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Cuộc vận động bằng hành động thiết thực, thay đổi dần thói quen trong việc mua sắm, tiêu dùng hàng hóa cá nhân cũng như của đơn vị. Bà Nguyệt cho biết: “Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đơn vị sản xuất - kinh doanh, quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thị trường; hình thành 11 mô hình điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao. 14 DN An Giang giữ vững danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiệu quả qua các hội chợ, phiên chợ, các DN quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh, phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm”.

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh phối hợp DN và các địa phương tổ chức 250 phiên chợ, chuyến bán hàng Việt về nông thôn, thu hút gần 600.000 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng trên 300 tỷ đồng. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu cho hàng Việt, 10 năm qua, các lực lượng chức năng đã xử lý gần 13.000 vụ vi phạm hàng lậu, hàng giả, hàng nhái; thu nộp ngân sách nhà nước trên 76,5 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh: “Dùng hàng Việt Nam thể hiện lòng yêu nước, do đó cần tác động tư tưởng, giáo dục lòng yêu nước để Cuộc vận động len lỏi thấm đậm trong lòng người dân, ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi đi mua sắm hàng hóa. Đối với DN, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức thúc đẩy DN phát triển. Vì vậy, DN cần đổi mới tư duy sản xuất, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá cả; các địa phương cần tạo mọi điều kiện, hạn chế thủ tục cho DN đưa hàng Việt về phục vụ người dân nông thôn”.

 Để người dân ưu tiên chọn mua, hàng hóa phải có chất lượng. Do đó, cùng với các giải pháp hỗ trợ của nhà nước, DN Việt phải chủ động sản xuất các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý để chinh phục lòng tin người tiêu dùng. Để Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Cuộc vận động; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích DN đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường…

HẠNH CHÂU