Hấp dẫn đầu tư vào huyện miền núi Tri Tôn

14/12/2018 - 06:49

 - Tri Tôn là một trong số ít những địa phương có địa hình đồi núi cao kết hợp đồng bằng rộng lớn. Đặc thù này tạo lợi thế cho huyện về sản xuất nông nghiệp (NN), phát triển rừng, khai thác khoáng sản, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các mô hình NN lớn theo hướng liên kết, khai thác tiềm năng du lịch (DL) tự nhiên.

Địa hình độc đáo

Tri Tôn là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh An Giang (hơn 60.000ha) với địa hình khá đặc biệt. Huyện có đồng bằng rộng lớn với hệ thống kênh, rạch chằng chịt xen lẫn nhiều đồi núi với điểm cao nhất là đỉnh núi Cô Tô (Phụng Hoàng sơn, cao 614m, dài 5.800m), có ngọn núi dài nhất là Ngọa Long sơn (núi Dài lớn, cao 580m, dài 8.000m). Bao bọc chung quanh núi là đồng bằng, dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên.

Do địa hình có nhiều đồi núi hiểm trở, trước đây Tri Tôn từng là căn cứ cách mạng của tỉnh với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Cảnh quan đẹp của Tri Tôn nếu khai thác hợp lý, đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trước khi xuống khu DL biển Hà Tiên, đi đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) bởi Tri Tôn khá gần Hà Tiên.

Đặc thù đồi núi kết hợp đồng bằng mang đến nhiều tiềm năng cho du lịch Tri Tôn. Ảnh: P.V

Cùng với Tịnh Biên, huyện Tri Tôn là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh An Giang. Bên cạnh rừng tự nhiên, diện tích rừng trồng phát triển khá mạnh với những loài cây sinh trưởng nhanh như: bạch đàn, keo lá tràm, tai tượng cùng một số cây gỗ quý như: sao, dầu, giáng hương, dó bầu và nhiều loại cây ăn quả lâu năm. Tỷ lệ che phủ rừng cao (đạt 14,25%, bình quân của tỉnh 4%) là điều kiện phục hồi nhanh các hệ sinh thái rừng, bảo tồn động thực vật, phát triển cây dược liệu quý, khai thác DL sinh thái.

Bên cạnh thế mạnh NN, lâm nghiệp, Tri Tôn còn là địa bàn có nhiều chủng loại khoáng sản phong phú, bao gồm: đá xây dựng các loại (trữ lượng khoảng 144 triệu m3), cao lanh và sét (nguyên liệu sản xuất gạch ngói, có trữ lượng khoảng 9,4 triệu m3), than bùn (trữ lượng khoảng 14 triệu tấn), diatomit (khoảng 177.000 tấn). Riêng thị trấn Tri Tôn có nguồn nước khoáng thiên nhiên, có thể khai thác công nghiệp 790m3/ngày để phục vụ tiêu dùng…

Đánh thức tiềm năng

Tri Tôn được đánh giá như “viên ngọc thô” DL khi chiếm đến 4/7 ngọn núi của dãy Thất Sơn huyền bí, có những hồ nước ven chân núi rộng lớn, rừng xanh xen lẫn cây ăn trái, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng cùng các món ăn ngon, đặc sản mà nơi khác không có được.

Tri Tôn hiện có 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (Tháp An Lợi và Hố Thờ) cùng 4 khu di tích được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm: Khu di tích đồi Tức Dụp, Khu di tích nhà mồ Ba Chúc (gồm nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai), chùa Xvayton và Khu di tích Ô Tà Sóc.

Trên địa bàn huyện còn có nhiều chùa Phật giáo Nam tông mang hình thái kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, một số chùa được công nhận và xếp hạng di tích. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer như: lễ Dolta kết hợp lễ hội đua bò Bảy Núi, Chol Chnam Thmay…

Song song đó, còn có nhiều món ẩm thực ngon như: bánh canh Lò Rèn, bánh canh bột xắt, cháo bò Tri Tôn, gà đốt Ô Thum, ếch nướng mọi kiểu Khmer…

Hiện nay, Tri Tôn đang tập trung mời gọi đầu tư khai thác tiềm năng DL với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, gồm: khu du lịch (KDL) Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, quy mô 70ha), KDL núi Nước (thị trấn Ba Chúc, 3,8ha), KDL Ô Đá (thị trấn Ba Chúc), KDL Soài So (xã Núi Tô), DL sinh thái khu bảo tồn lúa mùa nước nổi (xã Vĩnh Phước), DL tâm linh và nghỉ dưỡng (xã Núi Tô), DL sinh thái rừng tràm, xây dựng điểm dừng chân tại các xã: Châu Lăng, Lương An Trà, Vĩnh Gia…

Huyện Tri Tôn kêu gọi đầu tư xây dựng Khu thương mại cửa khẩu Vĩnh Gia (quy mô 6ha), chợ An Tức, Vĩnh Phước, chợ cầu số 13, xây dựng siêu thị nhằm phục vụ khách DL và người dân.

Tri Tôn còn dành nhiều ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến (NMCB) gạo đặc sản, NMCB và tiêu thụ cây công nghiệp ngắn ngày, NMCB và khai thác các sản phẩm từ cây thốt nốt, NMCB gỗ xây dựng (keo tai tượng, tràm bông vàng), nhà máy nước khoáng đóng chai, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, nhà máy sản xuất  gốm xuất khẩu, nhà máy sản xuất bê-tông ly tâm, kho bảo quản và NMCB gạo ở các xã: Vĩnh Gia, Ô Lâm, Lương An Trà, Tân Tuyến, Tà Đảnh, thị trấn Ba Chúc…

Đồng thời, thu hút đầu tư NMCB cây dược liệu (2ha), hệ thống sản xuất rau củ hoa quả sạch công nghệ cao (trên 20ha), NMCB bột nghệ (Circumin, quy mô 2ha), lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (1ha), NMCB và xử lý rác xã Núi Tô, nhà máy may công nghiệp thị trấn Tri Tôn, đầu tư hệ thống xử lý nước thải thị trấn Tri Tôn…

Các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư trên địa bàn huyện Tri Tôn, vui lòng liên hệ: Tổ Xúc tiến đầu tư - UBND huyện Tri Tôn (152 Trần Hưng Đạo, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, email: ptckh.triton@angiang.gov.vn, điện thoại: 0296.3874340)

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN