Hậu Giang: Cảnh giác trong mùa mưa, bão

25/06/2018 - 08:11

Vài năm trở lại đây thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, kèm theo đó là các hiện tượng thiên tai, sạt lở, dông lốc trong mùa mưa gây thiệt hại đáng kể và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

A A

Người dân đốn hạ cây xung quanh nhà đề phòng đổ ngã trong mùa mưa bão.

Bước vào mùa mưa, nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động bởi thiên tai gây thiệt hại lớn. Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, rạng sáng ngày 15-6, tuyến kênh số 1, ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra sạt lở. Vụ việc làm sụp một đoạn đường dài 36m, rộng 5m, ảnh hưởng đến 8 hộ dân. Sau khi sự cố xảy ra, địa phương đã tổ chức di dời trụ điện, đường ống nước, tài sản của người dân đến nơi an toàn; lắp đặt tín hiệu cảnh báo, làm đường tạm cho người dân đi lại và gia cố tạm thời bằng cừ, trải vải bạt để hạn chế sạt lở.

Tại Hậu Giang, ngoài 12 vụ sạt lở đất bờ sông trong 5 tháng đầu năm, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, ngày 9 và 10-6 cũng đã xảy ra sạt lở bờ kênh Mái Dầm thuộc ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, diện tích mất đất 105m2 và bờ kênh Thạnh Đông, ở ấp Khánh An, xã Phú An, diện tích mất đất 65m2. Mới đây, mưa lớn kèm dông lốc làm sập 2 căn nhà trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ và xã Long Trị,  thị xã Long Mỹ; uớc thiệt hại khoảng 21 triệu đồng.

Cơn dông sáng ngày 11-6, đã làm cho ngôi nhà bà Nguyễn Thị Chép, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ sập hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người. Bà Chép buồn bã cho hay: “Sau khi nghe tiếng răng rắc, tôi thấy nhà xiêu một bên, rồi chỉ kịp lấy được vài món đồ chạy lẹ ra ngoài là căn nhà đổ ầm xuống. Tôi la lên, bà con nghe được chạy lại giúp đỡ, rồi nhờ điện lực ngắt điện mới dám vào tháo dỡ nhưng bàn ghế, tủ, đồ đạc bị hư hết. Mấy ngày nay không có chỗ ở nên tôi phải nương nhờ nhà người thân”.

Theo chính quyền xã Vĩnh Viễn A, hiện trên địa bàn còn khoảng 16-17% hộ dân còn nhà kê, nhà chôn chân có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra dông lốc. Trước mùa mưa bão, các cấp chính quyền đã vận động người dân chằng chống nhà cửa, đồng thời khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện truyền thông. “Trước mắt, đối với hộ bị ảnh hưởng, chúng tôi đã bố trí nhân lực hỗ trợ người dân tháo dỡ, sửa chữa, xây cất lại nơi ở mới. Đồng thời, lập thủ tục gửi về huyện xin hỗ trợ cho người dân theo quy định”, ông Trịnh Bạch Duyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết.

Còn tại huyện Vị Thủy, từ đầu năm đến nay, dông lốc đã làm ngã 1 trụ điện ở xã Vị Bình, tốc mái 4 căn nhà ở xã Vị Đông, Vị Bình, Vị Trung; ước thiệt hại ban đầu khoảng 25 triệu đồng. Về sản xuất nông nghiệp, 3 đợt dông lốc vừa qua đã làm ảnh hưởng khoảng 300ha lúa; ước tính thiệt hại của diện tích lúa này khoảng 5-10% năng suất. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã vận động, tuyên truyền cho người dân chằng chống nhà cửa, cảnh giác với các hiện tượng thời tiết mưa dông, sấm chớp. Trên cây lúa, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con cần gia cố bờ đê, bờ thửa để tháo rút nước kịp thời. Những trà lúa đã chín từ 85% trở lên, bà con cần sớm thu hoạch tránh mưa dông gây đổ ngã, thất thoát. Nông dân cũng cần chủ động bơm tháo nước trong vườn cây ăn trái tránh bị ngập úng. Dự báo năm nay mùa lũ sớm nên bà con cần chủ động gia cố đê bao để bảo vệ sản xuất.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền về diễn biến thời tiết. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra các tuyến đò ngang đò dọc, nơi nào không đảm bảo an toàn thì không cho hoạt động. Kiểm tra các đoạn đê xung yếu, các công trình thủy lợi đã xuống cấp, có kế hoạch duy tu sửa chữa kịp thời.

 “Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có xảy ra sạt lở, dông lốc gây sập nhà, tốc mái ở một số nơi. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm, vì thế trong thời gian tới các hiện tượng dông lốc, áp thấp nhiệt đới và bão được dự đoán sẽ diễn biến rất phức tạp trên các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang. Do vậy, người dân cần chấp hành nghiêm sự hướng dẫn của ngành chức năng về phòng, chống thiên tai, nhất là chủ động chằng chống nhà cửa, đốn tỉa cây xung quanh nhà để đảm bảo an toàn. Khi xảy ra mưa dông, sấm sét, khuyến cáo bà con không đi ra ngoài, không trú ẩn dưới các tàn cây lớn, những vật kim loại dẫn điện. Đặc biệt, không cất nhà lấn chiếm dòng chảy, nhất là trên các tuyến sông có nguy cơ sạt lở cao. Nông dân cần xuống giống theo lịch khuyến cáo để đảm bảo sản xuất và thu hoạch đạt hiệu quả”, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, khuyến cáo.

Theo Kỳ ANH (Báo Hậu Giang)