Hậu Giang: Chủ động phòng, tránh thiên tai

19/07/2018 - 08:42

Những tháng đầu năm 2018, tình hình thời tiết diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân Hậu Giang.

A A

Mưa lớn những ngày qua làm cho nhiều diện tích lúa Thu đông mới xuống giống bị ảnh hưởng.

Mưa bão diễn biến phức tạp

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ và các nhà chuyên môn thì năm 2018 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 10-12 cơn), trong đó khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Nhất là cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm, khi có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ. Đối với mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8-2018 đến đầu tháng 11-2018 ảnh hưởng lũ trên sông Hậu. Về mùa mưa, lũ đạt đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10, tại trạm Vị Thanh có khả năng từ 0,75m đến 0,80m ở mức xấp xỉ năm 2017; tại thị xã Ngã Bảy từ 1,45m đến 1,55m xấp xỉ năm 2017. Cũng cần đề phòng các đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho rằng: Cần tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố để đảm bảo cho công tác sẵn sàng chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, nhất là các thành viên được phân công địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Kiện toàn tổ chức bộ máy Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đưa vào hoạt động trước mùa mưa bão năm 2018 để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng tham mưu chỉ đạo cho Ban chỉ huy của các ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng ứng trực, kịp thời với các tình huống có thể xảy ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện đã vào mùa mưa bão, vì vậy các ngành, địa phương cần tiến hành rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai, thông tin kịp thời tới các tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến thiên tai, giải pháp ứng phó, nhất là thông tin tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về công tác phòng, chống thiên tai ở các cấp cơ sở cho lực lượng nòng cốt để khi xảy ra thiên tai thì lực lượng này là người trực tiếp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương chỉ đạo, phối hợp Ban an toàn giao thông tiến hành giải phóng chà, nò, đăng đáy, vật cản trên sông để tạo thông thoáng dòng chảy tiêu thoát lũ nhanh, đồng thời kiểm tra các bến đò dọc, đò ngang đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Khuyến cáo người dân bồi trúc bờ bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp và chỉ xuống giống lúa vụ 3 ở những nơi đạt tiêu chí 3 nông thôn mới về thủy lợi. Kiểm tra các kho tàng, bến bãi, các cơ sở kinh doanh mặt hàng dễ gây ô nhiễm khi bị ngập lũ.

Chủ động với mọi tình huống

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho hay: Địa phương đã củng cố Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ thành phố xuống các xã, phường. Đồng thời, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 với những biện pháp thật cụ thể phù hợp với đặc điểm ở các địa phương. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo Nhân dân tích cực đề phòng sét đánh và lốc xoáy gây thiệt hại; kiên quyết tháo dỡ các chà nò trên sông, kênh, rạch để thoát lũ nhanh. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông để có kế hoạch phòng, chống.

Để chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cũng đã yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp chặt với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết, nhất là dự báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp của thời tiết, thông báo kịp thời, chính xác đến các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh biết để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra. Tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý những hư hỏng hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái, vùng mía nguyên liệu. Khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch lúa chín còn trên đồng, nhất là đối với những khu vực trũng thấp, không đê bao. Kiểm tra bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở cao và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời nhà dân đến nơi an toàn. Khi có thiên tai xuất hiện thì người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, nhất là chằng chống nhà cửa để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cũng đã có chỉ thị và yêu cầu Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu dưới nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và người dân trong tỉnh, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thị xã và thành phố tổ chức trực nghiêm túc theo quy định công tác trực ban, họp giao ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin hai chiều giúp cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và Nhân dân kịp thời ứng phó. Có kế hoạch chỉ đạo ngay từ đầu chi tiết, đầy đủ, kịp thời để ứng phó có hiệu quả khi có tình huống bão đổ bộ vào tỉnh Hậu Giang. Phải đảm bảo tốt việc chằng chống nhà cửa, hầm trú ẩn tại chỗ và có phương án sơ tán dân tránh bão một cách an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Đồng thời, kiểm tra và kiện toàn trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở và dự trù kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt mùa mưa lũ, bão năm 2018...

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, thời tiết diễn biến bất thường với các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, giông lốc, sạt lở, hạn, mặn... năm 2018 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đầu năm đến nay, Hậu Giang đã xảy ra 20 điểm sạt lở bờ sông, giông lốc làm sập và tốc mái, siêu vẹo khoảng 100 căn nhà của người dân; mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và bão số 3 gây ngập nhiều diện tích lúa Thu đông vừa xuống giống và lúa Hè thu sắp thu hoạch, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.

Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)