Hậu Giang: Thấp thỏm lo sạt lở

11/06/2018 - 09:03

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

A A

Một đoạn đường bị sạt lở đất ven bờ sông Ba Láng gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Người dân ở ven tuyến sông Cái Côn, thuộc ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, vẫn còn thấp thỏm lo âu trong những ngày mưa bão. Bởi nơi đây lần lượt xảy ra các vụ sạt lở đất ven bờ sông gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân. Sau vụ lở đất vào rạng sáng ngày 4-5, công tác khắc phục hậu quả được thực hiện gấp rút, người dân vùng thiên tai được hỗ trợ di dời tài sản vào nơi an toàn.

Theo người dân địa phương, đầu tháng 6 những vết nứt đất ở khu vực sạt lở ven tuyến sông Cái Côn đã có dấu hiệu lan rộng. Bà Trần Thị Nhành, người dân ở ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, cho biết sau đợt sạt lở đất rạng sáng ngày 4-5 đến nay, những vết nứt ăn sâu vào trong khiến bà vô cùng lo lắng. “Vết nứt mới ăn sâu vào khoảng 2-3m làm cho việc đi lại của người dân khó khăn. Vào mùa mưa bão như hiện nay, người dân nơi đây lại càng lo lắng hơn”, bà Nhành cho biết.

Đó là tâm lý chung của người dân vùng nguy cơ sạt lở cao. Có thể thấy, bước vào mùa mưa, người dân sinh sống ven các khu vực sạt lở không khỏi lo lắng, bất an. Trong buổi khảo sát các điểm sạt lở vào cuối tuần trước, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu UBND huyện khẩn trương bố trí kinh phí triển khai tuyến đường tránh khu vực sạt lở bên trên giúp cho người dân thuận lợi trong việc đi lại, đồng thời tiếp tục vận động những hộ này di dời đến nơi ở an toàn. Tiến hành gia cố phần kè cừ đã bị sụp để hạn chế tác động của dòng chảy.

Một số nơi trên tuyến sông Cái Côn, Ba Láng, kênh xáng Nàng Mau đã được cảnh báo nguy cơ sạt lở, tuy nhiên thiên tai có thể xảy ra bất cứ khi nào với tốc độ và mức độ thiệt hại khó lường. Tại vị trí ngã tư kênh Nàng Mau (dưới chân Cầu Trắng lớn) thuộc địa bàn xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, nước chảy rất xiết. Đây là nơi tiếp giáp 4 ấp, đã được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao. Theo ông Phạm Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, qua thống kê của địa phương thì có 20 trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp cần di dời sớm. Còn lại khoảng 70 hộ sinh sống trong khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình này, địa phương đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ người dân di dời đến nơi khác hoặc khu dân cư để bà con an cư trước mùa mưa bão. Qua tìm hiểu, đa số bà con đồng thuận di dời, nhưng do từ trước đến nay địa phương không có chỗ để hỗ trợ bà con. Mặt khác, xã đã đề nghị người dân tìm nơi ở khác, thực hiện theo chính sách tái định cư phân tán nhưng bà con cũng không tìm được chỗ. Nếu có chính sách của tỉnh, huyện xây dựng các khu tái định cư, tin chắc rằng khi vận động di dời, người dân sẽ đồng thuận cao.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Tuyến kênh Nàng Mau, đoạn qua địa bàn xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, có khoảng 110 hộ trong khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Theo thống kê của huyện, đến cuối năm 2017 có 20 căn nhà bị sạt lở. Trước tình hình này, huyện sẽ sớm có báo cáo đề xuất lên tỉnh, các sở, ngành về phương hướng tới của Khu tái định cư Quốc lộ 1 - giai đoạn 1 để tỉnh có các bước chỉ đạo tiếp theo. Bởi hiện còn một số vướng mắc cần tháo gỡ và khu này chưa đáp ứng được nhu cầu về điện, cấp thoát nước. Bên cạnh đó, huyện đang thi công một khu ổn định dân cư để tính toán di dời những hộ bị ảnh hưởng sạt lở ven tuyến kênh Nàng Mau. Hiện tại, đang thực hiện san lấp mặt bằng khoảng 4.800m2, sẽ làm tiếp phần hạ tầng, đường, điện để đáp ứng trước khoảng 39 nền phục vụ cho công tác di dời.

Trong buổi khảo sát các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh vào cuối tuần trước, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng yêu cầu trong tháng 6 các sở, ngành phối hợp cùng địa phương khẩn trương đề xuất phương án giải quyết khó khăn vướng mắc Khu tái định cư Quốc lộ 1 - giai đoạn 1, đồng thời tính toán việc bố trí điện, nước tại khu tái định cư. Khi khảo sát vị trí đang thực hiện khu tái định cư mới ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương xem xét phương án thực hiện hết trên diện tích đất công để đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư.

Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vùng sạt lở để bà con nâng cao cảnh giác. Đồng thời, vận động các trường hợp có điều kiện đến nương nhờ nhà người thân sinh sống trong mùa lũ, bởi theo dự báo nước kênh xáng Nàng Mau chảy rất xiết vào khoảng tháng 9 tới. Còn tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, chính quyền địa phương đã có cảnh báo sớm những điểm nguy cơ sạt lở cao ven tuyến sông Ba Láng để người dân đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa. Riêng điểm sạt lở ở ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh vừa qua, địa phương đã cho đổ cát, đá mở đường tạm giúp người dân đi vòng tránh đoạn đường bị sụp. Đồng thời, vận động người dân ven tuyến rào chắn ven bờ, thả lục bình, trồng thêm các loại cây bám rễ giúp giữ đất nhằm hạn chế tác động của dòng chảy gây xói mòn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ giữa tháng 5-2018 đến nay thời tiết trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến hết sức phức tạp, vào buổi chiều trời nhiều mây xuất hiện những cơn mưa cục bộ, có nơi mưa vừa, có nơi mưa to, trong cơn mưa thường kèm theo giông lốc gây thiệt hại. Mới đây, vào ngày 22-5 lại xảy ra thêm một vụ sụp đất gây sạt lở bờ kênh Thạnh Đông, thuộc ấp Phú Hưng, xã Phú An, huyện Châu Thành. Chiều dài sạt lở khoảng 30m, ăn sâu vào bờ có nơi rộng nhất khoảng 6m, diện tích mất đất 180m2; ước thiệt hại 39 triệu đồng.

Biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở ngày càng tác động lớn đến đời sống người dân nói chung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong đó có Hậu Giang. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 điểm sạt lở đất, trong đó huyện Châu Thành 11 điểm, huyện Châu Thành A 1 điểm; chiều dài sạt lở 244m, diện tích mất đất bờ sông 1.406m2, ước thiệt hại 777 triệu đồng.

Theo KỲ ANH (Báo Hậu Giang)