Hiện đại hóa nền hành chính ở Cần Thơ

15/11/2018 - 09:23

Thời gian qua, ở TP Cần Thơ, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước đã đạt được những hiệu quả đáng kể với nhiều mô hình ứng dụng CNTT. Mặc dù vậy, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục nhằm góp phần xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT).

A A

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc.

Cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Trong quá trình chung sống, vợ chồng tôi có tạo dựng được một phần đất. Nay, tuổi cao, sức yếu, chúng tôi quyết định tặng cho con phần đất này, nhưng không biết cách thức thực hiện ra sao. Đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) xã, tôi được cán bộ nhiệt tình, vui vẻ hướng dẫn về thủ tục, điền mẫu hồ sơ. Tôi rất hài lòng với cung cách tiếp dân, hệ thống xử lý công việc khoa học, hiện đại tại Bộ phận TN&TKQ của xã”. Nhiều người dân đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận TN&TKQ của xã Định Môn cũng có chung nhận xét là trước đây làm giấy tờ gì cũng phải đi lại nhiều lần mới xong. Còn hiện nay công việc được tiếp nhận và giải quyết một cách nhanh gọn, vui vẻ và thoải mái.

Ở TP Cần Thơ, hiện nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ thành phố đến cấp xã đã thành lập Bộ phận TN&TKQ theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Mô hình “Một cửa liên thông” trong lĩnh vực đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (3 trong 1); đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú (2 trong 1) giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người dân khi thực hiện các TTHC... Dịch vụ công của thành phố được cung cấp đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3- 4 năm 2018 của thành phố là 734 dịch vụ, tăng 75 dịch vụ so với năm 2017. Ngoài ra, TP Cần Thơ đã sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, với tổng số hồ sơ tiếp nhận là 46.880 hồ sơ. 100% sở, ngành và các quận- huyện, xã- phường đã triển khai, sử dụng phần mềm “Một cửa điện tử” phục vụ TN&TKQ trong giải quyết TTHC đối với người dân và doanh nghiệp...

Ứng dụng CNTT vào hoạt động của Bộ phận TN&TKQ trên địa bàn TP Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Công chức Bộ phận TN&TKQ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh đang tiếp nhận hồ sơ của người dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, ở thành phố, hệ thống văn bản, chính sách về ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT được ban hành kịp thời; CNTT được ứng dụng trong hầu hết hoạt động của cơ quan Nhà nước thành phố, từ công tác chỉ đạo, điều hành, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước đến cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước từ cấp thành phố đến cấp xã đã sử dụng văn bản điện tử trong xử lý, điều hành công việc; ứng dụng CNTT để giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa từ cấp thành phố tới cấp xã- phường… Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT của thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh còn ít (mức độ 3 có 18.537 hồ sơ trực tuyến/57.864 hồ sơ thực tế; mức độ 4 đạt 4.972 hồ sơ trực tuyến/17.030 hồ sơ thực tế). Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cấp sở, huyện còn rời rạc; phần mềm “Một cửa điện tử” chưa liên thông với phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dẫn tới chưa sử dụng được chung hồ sơ, dữ liệu; thông tin phải cập nhật, lưu trữ nhiều lần…

Qua kiểm tra cải cách hành chính trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính của TP Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị TP Cần Thơ cần thực hiện cập nhật phù hợp với các phiên bản cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, để nâng cao hiệu quả triển khai ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần hướng tới tính hiệu quả, bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần được liên thông, chia sẻ dữ liệu; sử dụng biểu mẫu điện tử phù hợp theo quy định. Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn khai thác sử dụng các dịch vụ Chính phủ điện tử do cơ quan Nhà nước cung cấp, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các dịch vụ Chính phủ điện tử... 

Theo CHẤN HƯNG (Báo Cần Thơ)