Hiện đại hóa ngành y tế

29/10/2018 - 07:25

 - Những năm qua, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường đầu tư nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, cả về lĩnh vực y tế dự phòng và điều trị, y tế cơ sở và y tế chuyên sâu. Một số kỹ thuật cao đã được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, các kỹ thuật can thiệp tim mạch…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ ra một số hạn chế như: công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân còn nhiều bất cập, hạn chế so với yêu cầu hiện nay. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị các bệnh viện lớn tuyến tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kịp thời so với nhu cầu phát triển của ngành theo định hướng chuyên khoa hóa tuyến tỉnh và y tế phổ cập ở tuyến cơ sở. Theo Sở Y tế, việc tiếp cận các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại nhìn chung còn chậm, chưa thực sự rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các thành phố lớn. Nhiều bệnh nhân ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Người dân vẫn còn có khuynh hướng khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, bỏ tuyến cơ sở, gây quá tải cho tuyến trên, mất lòng tin tuyến cơ sở. Mạng lưới cấp cứu ngoại viện chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa mang tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch, đột quỵ, chấn thương, làm mất thời gian vàng trong cấp cứu, tăng tỷ lệ tử vong, di chứng, biến chứng. Quy mô sản xuất thuốc còn ở mức trung bình, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương về dược liệu, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, thời gian tới, ngành y tế quan tâm phát triển chuyên sâu, hiện đại hóa các cơ sở y tế; ứng dụng kỹ thuật cao điều trị bệnh; phát triển y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại, nâng cao chất lượng y tế dự phòng, hiện đại hóa sản xuất dược phẩm. Xây dựng, phát triển An Giang trở thành một trong các trung tâm dịch vụ y tế chuyên sâu và có chất lượng cao của khu vực ĐBSCL, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Ứng dụng khoa học và công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Phát huy thế mạnh về sản xuất cây dược liệu vùng Bảy Núi.

BS Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế thông tin: thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục phát triển y tế chuyên sâu tuyến tỉnh và y tế phổ cập tuyến cơ sở. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới các bệnh viện tuyến tỉnh làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trên theo từng lĩnh vực chuyên sâu. Đồng thời, tăng cường vai trò của các bệnh viện tuyến tỉnh trong hỗ trợ phát triển các cơ sở vệ tinh tại các trung tâm y tế huyện, tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật của từng tuyến, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến. Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả mạng lưới cấp cứu ngoại viện.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, từ nay đến năm 2020 cần tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, thực hiện bệnh viện vệ tinh cho tuyến trung ương một số chuyên khoa về tim mạch, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, sản nhi. Tỉnh thống nhất thành lập Khoa Lão tại 2 bệnh viện: đa khoa trung tâm An Giang và đa khoa khu vực tỉnh, đơn nguyên Lão khoa tại Khoa Nội của Bệnh viện khu vực Tân Châu và một số trung tâm y tế huyện. Tạo điều kiện phát triển mạng lưới hành nghề ngoài công lập, phát triển thêm số lượng, quy mô các bệnh viện tư nhân.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ở tuyến tỉnh về ung bướu, tim mạch, đột quỵ, chấn thương chỉnh hình, sản-nhi, nội tiết, huyết học... trên cơ sở làm bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến trung ương. Phát triển bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh lên bệnh viện hạng 1; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Tim mạch An Giang, mở rộng Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt. Xây dựng mới Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện. Thực hiện mô hình hợp tác công tư, phát triển thêm bệnh viện tư nhân, gắn một số cơ sở chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh với các tuyến du lịch của tỉnh.

Giai đoạn 2026-2030, triển khai một số dịch vụ kỹ thuật cao lĩnh vực khó: ghép tạng (trước mặt là ghép thận), ung bướu (cả phẫu trị, hóa trị và xạ trị). Về lĩnh vực tim mạch phát triển được các kỹ thuật ngang tầm khu vực, tiếp cận trình độ quốc tế, sản nhi, nội tiết, huyết học, các phẫu thuật vi mẫu... Phát triển Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang lên bệnh viện hạng đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Tim mạch An Giang lên bệnh viện hạng 1.

Ông Bình khẳng định, dù khó khăn về kinh phí, nhưng An Giang cam kết đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân, hiện đại hóa ngành y tế theo hướng chuyên sâu. Vấn đề còn lại, đội ngũ cán bộ quản lý, y, bác sĩ phải đồng tâm hiệp lực nâng chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ở tuyến tỉnh về ung bướu, tim mạch, đột quỵ... trên cơ sở làm bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến Trung ương

HẠNH CHÂU