Hiệu quả cây cà tím gốc ghép

13/11/2018 - 05:49

 - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang vừa thực hiện thành công mô hình khảo nghiệm cây cà tím gốc ghép tại huyện Châu Thành, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên nhằm đánh giá khả năng kháng bệnh héo tươi, bệnh khảm vàng xoăn lá.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang, những năm gần đây, nông dân canh tác trên các loại cây thuộc họ cà gặp phải nhiều khó khăn, nhất là bệnh héo tươi làm chết cây hàng loạt, nặng nhất là trong giai đoạn ra hoa và đậu trái non. Tác nhân gây bệnh héo tươi được xác định là do vi khuẩn ralstonia solanacearum sống trong đất gây ra, bệnh phát triển và gây hại nặng làm chết cây, có nơi đến 100% trong mùa mưa. Đặc biệt, đối với vùng canh tác rau màu chuyên canh hoặc khi canh tác với những cây trồng cùng họ cà trước đó thì bệnh nghiêm trọng hơn. Bệnh héo tươi hiện nay chưa có thuốc đặc trị và gần như chưa có giống kháng bệnh. Để giải quyết vấn đề này, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm phòng, chống bệnh.

Hiệu quả cây cà tím gốc ghép

Nông dân tham quan mô hình

Những năm gần đây việc sử dụng phương pháp ghép ngọn của cây cho năng suất cao lên gốc của cây kháng bệnh là biện pháp hữu hiệu và kinh tế. Từ đó, nông dân có thể trồng các loại giống cây họ cà liên tục nhiều vụ trong năm, ngoài đặc tính kháng bệnh thì cây ghép còn có khả năng chịu úng, chịu hạn và chịu phèn tốt do bộ rễ của cây làm gốc ghép được tuyển chọn từ những loại cây hoang dại có sức sống mạnh. Xuất phát từ nhu cầu trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang đã xây dựng mô hình khảo nghiệm. Mục tiêu trồng khảo nghiệm cây cà tím gốc ghép, để đánh giá khả năng kháng bệnh, thích nghi và đánh giá hiệu quả kinh tế. Từ đó, giới thiệu và khuyến cáo nhân rộng mô hình, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại 3 địa phương, xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm cây cà tím gốc ghép trên diện tích 1.000m2. Tại huyện Thoại Sơn, qua gần 2 tháng trồng, năng  suất cao nhất 4,85 tấn/1.000m2, lợi nhuận của mô hình đạt 18,1 triệu đồng/1.000m2/vụ. Tại xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn), mô hình được thực hiện tại hộ ông Lý Văn Hải. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, trọng lượng trái của giống cà tím gốc ghép trái dài, 300gr/trái; nên trọng lượng trái/cây cao (1,8kg/cây). Mỗi cây khoảng 6 trái, số trái trên cây càng nhiều thì năng suất càng cao. Kết quả khảo nghiệm giống cà tím gốc ghép cho năng suất 4,85 tấn/1.000m2 tỷ lệ cây kháng bệnh héo tươi vi khuẩn 94%, kháng bệnh khảm trên 96%. Trong đó, năng suất thương phẩm 3,9 tấn/1.000m2 chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Tổng thu nhập hơn 36 triệu đồng, giá bán 8.000 đồng/kg, trừ chi phí giống cà tím gốc ghép cho lợi nhuận là 18,1 triệu đồng/1.000m2. 

Kế đến là mô hình tại TP. Long Xuyên, kết quả khảo nghiệm cho thấy, trọng lượng trái dài 300gr/trái, nên trọng lượng trái/cây cao (1,8 kg/cây), trung bình khoảng 6 trái/cây. Năng suất của giống cà tím gốc ghép đạt 4,3 tấn/1.000m2 (cây bị bệnh héo tươi chết và bệnh khảm vàng làm giảm năng suất khoảng 20%). Tỷ lệ cây kháng bệnh héo tươi vi khuẩn 85%, kháng bệnh khảm trên 95%. Trong đó năng suất thương phẩm 3,4 tấn/1.000m2, chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Lợi nhuận đạt 16,5 triệu đồng/1.000m2.

Tại Châu Thành, ở giai đoạn đầu sau khi trồng cây phát triển chậm. Do cây ghép cần có thời gian phục hồi, nên thời gian sinh trưởng của cây ghép chậm hơn cây trồng trực tiếp 1-2 tuần để phục hồi vết ghép. Đến giai đoạn 70 ngày sau khi trồng, chiều cao của cây ghép đạt 90,1cm. Cà tím gốc ghép có sức sống mạnh, cây có khả năng chịu hạn và chịu ngập tạm thời tốt nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất đạt 3,64 tấn/1.000m2 (cây bị bệnh héo tươi chết và bệnh khảm vàng làm giảm năng suất khoảng 9%). Tỷ lệ cây kháng bệnh héo tươi vi khuẩn 99%, kháng bệnh khảm trên 91%. Trong đó, năng suất thương phẩm 3,09 tấn/1.000m2 chiếm tỷ lệ khoảng 85%. Lợi nhuận đạt 13,7 triệu đồng/1.000m2.

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang Trần Phú Vinh kiến nghị: giống cây cà tím gốc ghép khi trồng trong mùa nghịch có khả năng kháng bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nông dân. Các giống cà tím gốc ghép thích hợp để trồng nghịch vụ từ tháng 7 đến 9 (âm lịch), bà con có thể trồng nghịch vụ để bán được giá cao. Trung tâm kiến nghị mô hình nên tiếp tục nhân rộng trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU