Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện cù lao Chợ Mới

16/05/2019 - 09:06

 - Chợ Mới là huyện cù lao, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, địa phương đối diện với nhiều khó khăn như: áp lực dân số đông nhất tỉnh với gần 400.000 người, mật độ dân số bình quân 942người/km2, đất sản xuất manh mún nhỏ lẻ (0,32ha đất/hộ)...

Vấn đề đặt ra làm thế nào để người dân sống bằng nghề nông ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu, khi đất nông nghiệp ít. Với những suy nghĩ, trăn trở đó, xuất phát từ quan điểm nông nghiệp phải thật sự là nền tảng thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển, Huyện ủy, UBND huyện Chợ Mới đã mạnh dạn chọn giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập và nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất.

Bước đi đầu tiên của huyện Chợ Mới là chọn khâu đột phá xây dựng bờ bao kiểm soát lũ, công trình được huy động từ xã hội hóa trong dân thực hiện từ năm 1995, đến năm 2000 hoàn thành trên toàn huyện. Phát huy lợi thế công trình này, nông nghiệp Chợ Mới bắt đầu "thay da đổi thịt", chuyển từ sản xuất lúa 2 vụ, chạy lũ hàng năm lên sản xuất lúa 3 vụ đảm bảo ăn chắc, rau màu sản xuất quanh năm với hơn 26.000ha.

Nông dân Chợ Mới chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu, trên nền tảng vững chắc, huyện tập trung khâu đột phá giống và ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Để thực hiện hiệu quả, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các chương trình, đề án làm cơ sở chỉ đạo, thực hiện như: Huyện ủy ban hành chương trình hành động đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010; UBND huyện ban hành đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2001-2008 và giai đoạn 2014-2020. Dự án vùng nguyên liệu rau màu xuất khẩu huyện Chợ Mới. UBND huyện tập trung quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng chọn lọc giống để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng màu có giá trị cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, vườn cây ăn trái gắn du lịch sinh thái tại 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân).

Năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới được Chính phủ hỗ trợ 1.209 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện dự án Nam Vàm Nao (giai đoạn 2012-2020). Dự án mở rộng, nâng cấp và kiên cố hóa bờ bao kiểm soát lũ trước đây như chắp thêm đôi cánh để nông nghiệp huyện cù lao Chợ Mới vững bước phát triển.

Tính từ năm 2015 đến nay, toàn huyện Chợ Mới chuyển dịch hơn 4.600ha, trong đó chuyển dịch từ đất lúa 2.860ha sang trồng màu và cây ăn trái. Đi đầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng là 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) đến tháng 9-2016 đã chuyển toàn bộ 1.777ha lúa kém hiệu quả sang trồng màu, vườn. Riêng xã Mỹ Hiệp, 100% đất vườn tập trung phát triển sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, Chợ Mới đã hình thành vườn cây ăn trái lên đến gần 6.500ha, tăng 666ha, cây xoài là cây trồng chủ lực với 5.707ha, chiếm 88% diện tích cây ăn trái của toàn huyện. 127ha xoài tại 3 xã cù lao Giêng đạt chứng nhận VietGAP và trong năm đã xuất khẩu gần 65 tấn xoài vào thị trường Úc, Hàn Quốc. Hiện đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ chứng nhận tiếp 500ha xoài theo quy chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị trái xoài và đem về lợi nhuận cao cho người nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định cho xoài cù lao Giêng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Hồng Viễn cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống kinh tế người dân không ngừng nâng lên, nhà tường mọc lên san sát, góp phần giảm nghèo, làm giàu và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ dân khá giàu tăng, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương, tỉnh, huyện tăng cao. Từ đó, trực tiếp góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ 3,36% còn 2,4% và hộ cận nghèo từ 3,15% còn 2,83%. Thu nhập bình quân của người dân đạt mức 46,6 triệu đồng/người/năm (tăng 7,4 triệu đồng so với năm trước). Đến nay, huyện có 8/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chợ Mới vẫn xác định nông nghiệp là 1 trong 3 mũi nhọn kinh tế quan trọng gắn liền với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cả hệ thống chính trị, huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên môn hóa các khâu sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; chủ động thu hút đầu tư cùng với huy động nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU