Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

30/08/2018 - 08:36

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh Vĩnh Long đã đạt được hiệu quả đáng kể, trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

A A

Mô hình tiểu thủ công nghiệp được đánh giá rất cao về hiệu quả giải quyết việc làm.

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, việc đào tạo nghề được tổ chức theo địa điểm, các mô hình sản xuất tại các xã- thị trấn tạo thuận lợi, thu hút khá đông LĐNT.

Cụ thể, phát triển mạnh các ngành nghề đào tạo tập trung vào các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thẩm mỹ,...

Đồng thời, đẩy mạnh mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn liền với giải quyết việc làm cho LĐNT.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1956, mô hình tiểu thủ công nghiệp được đánh giá rất cao về hiệu quả giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho LĐNT.

Đây là ngành nghề không đòi hỏi trình độ học vấn và sức khỏe cũng như độ tuổi lao động, chỉ cần có thời gian nhàn rỗi, đặc biệt phù hợp với nhiều LĐ nữ- vừa nội trợ, chăm sóc con cái tại nhà, vừa LĐ để có thêm thu nhập.

Bên cạnh thu nhập từ nghề đan đát, LĐ còn có thể kiếm thêm từ việc khai thác nguồn nguyên vật liệu lục bình sẵn có trong tự nhiên để bán lại cho các cơ sở sản xuất. Nhờ đó, nghề đan đát luôn thu hút đông đảo chị em phụ nữ ở địa phương học nghề.

Xã Ngãi Tứ là địa phương đầu tiên của huyện Tam Bình hình thành làng nghề đan thảm lục bình từ năm 2008 và đến nay đã phát triển được 3 làng nghề và 1 hợp tác xã thủ công mỹ nghệ giải quyết việc làm cho trên 1.600 LĐ, với thu nhập từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Dù chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ chịu thương chịu khó và “đươn quanh năm”, thu nhập từ nghề đan lục bình đã cao hơn làm nông.

Chị Nguyễn Thị Sáu (xã Ngãi Tứ) cho biết: “Đươn lục bình sẽ kiếm hơn 1,7 triệu/tháng, cho con đi học được lắm. Ông xã rảnh, tranh thủ đi kiếm lục bình về phơi khô cho tui đươn còn có thêm tiền”.

Linh hoạt đào tạo nghề cho LĐNT

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Vĩnh Long từ 2010 đến nay có những bước tiến quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của NLĐ, cũng như nhu cầu của xã hội.

Đào tạo nghề cho LĐNT giờ đây không còn cứng nhắc, áp đặt mà được thực hiện theo đơn đặt hàng của các cơ sở, doanh nghiệp và nhu cầu thực tế. NLĐ được chủ động chọn ngành nghề và thời gian học.

Nhiều địa phương mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu thực tế của người dân.

Ở các vùng nông thôn, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, vì thế đẩy mạnh việc tổ chức các lớp dạy về trồng trọt, chăn nuôi sao cho phù hợp với xu thế phát triển khoa học kỹ thuật và nhu cầu thị trường là rất cần thiết.

Thực tế trước nay hầu hết nông dân đều nuôi trồng theo kinh nghiệm, năng suất không cao, hiệu quả kém và mất an toàn.

Qua các lớp đào tạo nghề, bà con đã được trang bị kiến thức căn cơ và có hệ thống, giúp nâng cao được hiệu quả sản xuất. Nhiều người sau khi được học nghề mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới và tự tin hơn trong hoạt động sản xuất- kinh doanh của gia đình...

Sau khi được học lớp kỹ thuật nuôi gà thả vườn, chị Thạch Thị Quyên (xã Loan Mỹ- Tam Bình) tự tin nuôi gần 200 con gà.

Chị cho biết: “Đi học nhờ thầy dạy chăm sóc nuôi gà, cách làm chuồng trại và phòng trị bệnh cho gà nên tui tự tin hơn. Hy vọng lứa gà này thành công để có thêm tiền để dành cho con ăn học”.

Không chỉ được hỗ trợ bò giống, anh Lê Văn Lé (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Anh Lé khoe: “Tui làm chuồng, trồng thêm cỏ. Bò nhà tui có nghé rồi. Nhờ học mà tui biết cách chăm bò bịnh nữa đó”.

Qua các năm, các ngành nghề càng được mở rộng sang các lĩnh vực làm đẹp, may công nghiệp, công nghệ thông tin, điện dân dụng, hàn, tiện, trồng nấm…

Điều này cho thấy, các cơ sở đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực, thích ứng với nhu cầu học nghề của NLĐ và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Nhờ sự đa dạng các ngành nghề đào tạo, đáp ứng mọi nhu cầu của LĐ học nghề, nên số lượng LĐ ở khu vực nông thôn tham gia học nghề ngày càng đông, giúp NLĐ dễ dàng tìm kiếm việc làm, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề.

Chị Châu Ngọc Như (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi được học nghề trang điểm, làm tóc miễn phí. Học nghề xong, tôi có việc làm ổn định, tự lo cho bản thân”.

Đề án 1956 mang đến niềm vui cho nhiều LĐNT ở khắp các địa phương trong tỉnh. Những hiệu quả thiết thực mà chương trình mang lại là sự thay đổi về nhận thức của người dân.

Đồng thời trang bị cho bà con những kiến thức cần thiết để chọn việc làm phù hợp, trên cơ sở những suy nghĩ, tính toán cách làm riêng sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, để cải thiện, và nâng cao đời sống gia đình.

Ngoài ra, hiệu quả từ đề án này còn là cơ sở quan trọng để Vĩnh Long từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo SÔNG TRĂNG (Báo Vĩnh Long)