Hiệu quả đồng vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội ở Chợ Mới

07/10/2019 - 07:47

 - Chợ Mới là huyện cù lao, vùng nông thôn, đông dân nhất tỉnh, với 347.000 người, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian qua, huyện đã phát huy tốt vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc triển khai tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ý nghĩa hơn, tín dụng chính sách là người bạn đồng hành thân thiết của người nghèo, người yếu thế trong xã hội và là sợi dây kết nối niềm tin giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, hội đoàn thể.

Chị Lê Thị Bé Chín nhờ vốn tín dụng chính sách nuôi bò phát triển kinh tế gia đình

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Mới cùng cán bộ tín dụng dẫn chúng tôi len lỏi sâu vào con hẻm nhỏ ngang chừng hơn 1m, qua khỏi 5 lớp nhà mới tới nhà chị Lê Thị Bé Chín (sinh năm 1981, ở ấp Long Phú 1, xã Long Điền B, Chợ Mới). Tiếp chúng tôi, chị Bé Chín mừng rỡ khoe đang cất nhà còn dang dỡ. Chị Bé Chín kể: “Nhà hộ nghèo, không ruộng đất, trước đây vợ chồng tôi làm thuê, mướn quần quật cũng không đủ nuôi con, con gái lớn 19 tuổi đã đi Bình Dương làm xưởng gỗ hơn 1 năm. Nhà muốn chuyển nghề chăn nuôi mà kiếm 5 triệu đồng mua 1 con bò cũng không có. Vay ngoài 1 triệu đồng, lãi suất 150.000 đồng/tháng, mà cũng không vay được, vì không tài sản thế chấp. Năm 2017, tôi được vay vốn ngân hàng chính sách 50 triệu đồng, mua 6 con bò, xây chuồng trại, thuê đất trồng cỏ nuôi bò. Nay đã bán được 2 đợt lời gần 30 triệu đồng, hiện còn đang nuôi 4 con bò. Nhờ đồng vốn tín dụng chính sách giúp gia đình thoát nghèo, thoát nghề làm thuê, mướn, có tiền nuôi con ăn học, thay căn nhà tre lá bằng nhà tường khang trang”.

Cũng nhà trong hẻm nhỏ, chị Nguyễn Thị Châu (xã Long Điền B, Chợ Mới) có con đậu đại học, được vay vốn học sinh, sinh viên (HSSV), giúp cháu tiếp tục được đi học. Chị Châu kể: “Vợ chồng làm quanh năm cũng chỉ đủ 2 bữa cơm. Không ruộng đất, sống bám nghề làm thuê. Hay tin con đậu đại học, mừng rơi nước mắt vì vui, nhưng cũng lo không biết lấy tiền đâu ra”. Thấy hoàn cảnh của chị, Hội Phụ nữ xã giới thiệu chị vay vốn HSSV 15 triệu đồng/năm, nay cháu đã học năm thứ 2 Trường Đại học An Giang. “Nếu không được vay nguồn hỗ trợ, con tôi chưa chắc được đi học. Tôi còn được vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường 12 triệu đồng xây nhà tắm, lắp nước sạch. Đứa con thứ 2 đang học lớp 12 rất giỏi, tôi có nguyện vọng được vay vốn HSSV cho con đi học” - chị Châu bày tỏ.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Mới Lê Thúy Hằng cho biết: “Đến ngày 24-9, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình dự án tín dụng đạt trên 324 tỷ đồng, tăng 21,3 tỷ đồng so năm 2018, tăng 7,06%. Trong đó, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện đã dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn vay cho các đối tượng chính sách xã hội hơn 7,5 tỷ đồng”. Đến ngày 24-9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 323,651 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so năm 2018, tăng 7,31%, với hơn 16.379  hộ còn dư nợ; bình quân 1 hộ có dư nợ 19,76 triệu đồng; hoàn thành 99,8% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao năm 2019. Trong đó dư nợ hộ nghèo đạt 51,544 tỷ đồng, dư nợ HSSV đạt 87,274 tỷ đồng, dư nợ quỹ quốc gia đạt 8,472 tỷ đồng, dư nợ xuất khẩu lao động đạt 2,9 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Huỳnh Thị Nguyệt Hồng cho biết: “Doanh số cho vay đạt hơn 379,088 tỷ đồng, với 21.059 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó 3.981 lượt hộ nghèo, 3.801 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. 980 lao động được tạo việc làm (22 lao động đi xuất khẩu), hơn 4.816 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng 7.386 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; trợ giúp 95 hộ nghèo xây dựng nhà ở thoát khỏi cảnh tạm bợ và được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo”.

Riêng nguồn vốn ngân sách huyện cho vay các làng nghề trên địa bàn đã phát huy tác dụng. Nhiều mô hình sản xuất-kinh doanh phù hợp điều kiện của địa phương được áp dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đầu tư vốn tập trung vào các mô hình tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, mua bán nhỏ… Đã giải quyết được nhiều lao động tại địa phương, bảo tồn làng nghề truyền thống và phát triển thủ công mỹ nghệ, chung tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Toàn huyện hiện có 430 tổ tiết kiệm và vay vốn. Chất lượng hoạt động của các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác không ngừng được nâng lên, việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và có chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay. Khách hàng vay vốn đã có chuyển biến về nhận thức, ý thức được có vay, có trả, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm định kỳ hàng tháng, trả nợ khi đến hạn.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích