Hiệu quả hoạt động tín dụng góp phần phát triển nông thôn

13/02/2019 - 07:39

 - Năm 2018, kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều chuyển biến, tác động tích cực đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2018 đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển nông thôn. Hoạt động của các tổ chức tín dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi từ nông thôn đến thành thị.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa cho biết: “Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác huy động vốn bằng nhiều hình thức, tăng cường huy động vốn trung hạn, dài hạn kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ, mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2018 cơ bản ổn định. Tổng số dư vốn huy động đến cuối năm 2018 là 46.907 tỷ đồng, so cuối năm 2017 tăng 13,77%. So với 13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, nguồn vốn huy động của An Giang chiếm tỷ trọng cao, đứng thứ 5 trong khu vực”.

Các tổ chức tín dụng tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng; ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu theo các chương trình mục tiêu trọng điểm của tỉnh, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2018, tổng dư nợ cho vay của hệ hống ngân hàng An Giang 66.898 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 tăng 10,05%. Chất lượng tín dụng được tăng cường kiểm soát, nợ xấu chiếm 1,37%/tổng dư nợ (919 tỷ đồng). Điển hình như chương trình tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ năm 2018 đạt 35.917 tỷ đồng, tăng 8,86% so năm 2017, chiếm 53,69%/tổng dư nợ toàn tỉnh. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg): dư nợ 515 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 1.547 khách hàng. Tín dụng chính sách với các chương trình cho vay theo lãi suất ưu đãi đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên... dư nợ cho vay ước đạt 2.926 tỷ đồng, chiếm 4,37% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: có 1.638 lượt doanh nghiệp dư nợ đến cuối năm 2018 là 24.104 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn chương trình tín dụng giúp người dân đầu tư sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình

Năm 2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) chi nhánh An Giang đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Huy động vốn đạt 380 tỷ đồng; dư nợ đạt 1.085 tỷ đồng; nợ xấu ở mức 0,49%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân ngành và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Doanh thu thuần sau rủi ro đạt trên 36,4 tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch. Các chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn… Đặc biệt, vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nghĩa đánh giá, năm 2018, các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh toán và nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt; hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những thuận lợi còn một số hạn chế như: kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết 42 còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tình trạng các cá nhân, tổ chức dán tờ rơi cho vay không cần thế chấp (chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký xe…) với lãi suất rất cao, đòi nợ bằng biện pháp khủng bố người thân, bạn bè, đe dọa người vay… Đây là những hoạt động của các tổ chức, băng nhóm xã hội đen, tổ chức “tín dụng đen” đã diễn biến hết sức phức tạp, để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an ninh trật tự của người dân trên phạm vi cả nước.

Ông Nghĩa cho biết, năm 2019, ngành ngân hàng An Giang sẽ tiếp tục xử lý nhanh vấn đề nợ xấu theo Nghị quyết 42, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn huy động tại địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích